- Câu này đã nghe qua, nhưng vận nó vào hoàn cảnh nào mới là điều đáng bàn.
- Đương nhiên rồi! Bấy nay mình như người đi trong rừng rậm, nhưng hôm nọ trong một hội thảo bàn về chống ùn tắc, có vị tiến sĩ xịn hẳn hoi chứ không phải là tiến sĩ giấy nhé! Vị này uy tín đầy mình, am tường về lĩnh vực này tham luận rằng: Muốn giảm ùn tắc thì chỉ cần hạn chế mở rộng đường sá, khi đến ngưỡng tắc nghẽn hết chịu đựng được thì người dân tự giác hạn chế xe cá nhân và chọn phương tiện xe công thôi! Hay! Quá hay! Đơn giản thế mà bấy nay cứ bàn tới bàn lui…
- Mình vẫn chưa hiểu!
- Ôi trời! Chân lí thường là rất giản đơn! Giải pháp của vị tiến sĩ này là sự diễn Nôm lời dạy của tiền nhân thôi: Cùng cực khốn khổ quá thì phải thay đổi. Đó không phải là bản chất của câu cùng tắc biến hả? Khi thay đổi nhận thức rồi thì mọi ngả đường đều chảy thông suốt thôi…
- Hiểu rồi! Sáng choang lên rồi! Mai đây mình sẽ làm diễn giả các hội nghị tương tự…Nếu có hội thảo bàn về chuyện quá tải bệnh viện, mình sẽ dùng câu này. Không cần xây thêm các cơ sở khám chữa bệnh, tăng đội ngũ y bác sĩ nữa. Khi người bệnh không chịu nổi nữa, thì không ốm, hoặc ốm nằm nhà tận dụng nguồn thầy cúng, lang băm, thuốc vườn nhà dồi dào…
- Ừ nhỉ! Mình cũng có cơ hội tư vấn cho hội thảo vệ sinh an toàn thực phẩm rằng, cứ để hoá chất độc hại tràn lan thế đi, đến khi cứ ăn vào là về với Chúa, dân sợ, không ăn, thì thực phẩm bẩn bán cho ai. Hết ngay nguồn cung bẩn là sạch thôi!
- Mình sẽ thuyết trình ở hội nghị giáo dục là việc gì hạn chế đào tạo đại học, cứ đào tạo vô tư đi, ra trường không có việc làm, nhà nhà nuôi người báo cô. Khi quá sức chịu đựng thì người ta không vào đại học bằng mọi giá nữa, đúng không?
- Chuẩn! Trở thành diễn giả đâu quá khó, nhề!