Tìm lại nụ cười cho Hạnh

Hạnh (chống cán xẻng bên trái) luôn hòa đồng cùng các bạn.
Hạnh (chống cán xẻng bên trái) luôn hòa đồng cùng các bạn.
TP - Bảy năm trước, Hạnh ngại ngần mãi mới chịu gỡ chiếc khẩu trang che mặt để phóng viên báo Tiền Phong chụp ảnh gửi cho các chuyên gia thẩm mỹ, tìm nguồn trợ giúp. Còn bây giờ, cô cử nhân kinh tế với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi đã tự tin đối mặt với mọi thử thách gian nan, sau hơn 40 cuộc mổ xẻ tạo hình đau đớn ...

Nhát chém nghiệt ngã!

Trưa 2/10/2008, một thanh niên thất thểu vác cây xà gạc lang thang trên đoạn quốc lộ 26 ngoại thành Buôn Ma Thuột, gặp nhóm học sinh trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai ríu rít đạp xe ngang qua, bỗng nổi điên rượt theo chém 3 nhát vào cánh tay Quỳnh Trâm nữ sinh lớp 11, và thẳng cánh chém sả một nhát đứt lìa cả mảng mặt của Hồng Hạnh, nữ sinh lớp 9.

Hai nữ sinh được người dân cấp tốc lấy xe máy chở đến bệnh viện cấp cứu. Vết thương của Trâm không nghiêm trọng lắm, còn Hạnh bị nhát dao cực bén vạt mất trọn sống mũi và cánh mũi, má phải, toàn bộ môi trên, đứt xương ổ răng và một phần môi dưới. Cố gắng cầm máu vết thương lớn, bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nỗ lực dùng mảng mặt đứt rời để vi phẫu vá lại vết chém cho Hạnh. Tuy nhiên, mảng vá sau hơn một tuần bị hoại tử, nên Hạnh được chuyển gấp ra Hà Nội. Phó giáo sư Nguyễn Tài Sơn, chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình-Bệnh viện Trung ương Quân đội 108  nhận lời làm kíp trưởng ca phẫu thuật tinh vi dài đến 9 tiếng, tỉ mỉ lọc da và cơ ở cánh tay phải để tái tạo nền mặt cho em.

Hạnh trở lại trường sau gần 2 tháng nằm viện. Thương cô học trò không may, gia cảnh nghèo khó mà vô cùng hiếu học, nhà trường đã tích cực hỗ trợ, giúp em suôn sẻ hoàn tất năm học lớp 9, tốt nghiệp trung học cơ sở loại khá, rồi vào PTTH Buôn Ma Thuột là trường tuyển sinh điểm cao thứ nhì toàn tỉnh Đắk Lắk, chỉ sau trường chuyên Nguyễn Du.

Nữ sinh Hồng Hạnh tiếp tục chuyên cần học tập, hòa đồng tham gia mọi phong trào cùng các bạn, nhưng khuôn mặt thon nhỏ luôn bịt kín khẩu trang. Ai tò mò hỏi, em chỉ nói do bị viêm xoang, nên phải thế. Tới khi lớp trưởng Anh Phương của lớp 11A6 tình cờ đọc được mẩu tin trên một tờ báo cũ về ca vi phẫu nối mặt đầu tiên trên địa bàn tỉnh, mới hiểu ra nỗi buồn sâu kín của bạn mình, và tìm số điện thoại của tôi qua văn phòng Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, nhờ giúp đỡ.

Nối liên lạc với bác sĩ từng vi phẫu nối mặt cho Hạnh tại Đắk Lắk, học trò của Phó giáo sư Nguyễn Tài Sơn, tôi được biết sau nhiều ca phẫu thuật miễn phí tại BV 108, do gia cảnh quá khó khăn, khoảng cách xa xôi, mỗi cuộc phẫu thuật tiếp theo chỉ chỉnh sửa được vài chi tiết nhỏ nên tới lúc đó Hạnh vẫn thiếu môi trên, chưa có sống mũi, thiếu xương hàm, chưa gắn được 9 cái răng còn khuyết. 

Tìm đến căn nhà đơn sơ, trống vắng của gia đình Hồng Hạnh trong con hẻm sâu hút cuối xã Ea Tu ngoại thành Buôn Ma Thuột, tôi cam kết chỉ sử dụng những tấm ảnh chụp gương mặt thật của Hạnh vào việc duy nhất, là gửi cho các chuyên gia thẩm mỹ hàng đầu để tìm nơi hỗ trợ phù hợp, cô mới ngại ngần gỡ mảnh khẩu trang.     

Sau khi xem kỹ loạt ảnh và các email tôi gửi, tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ- Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật chỉnh hình bệnh viện 108, và bác sĩ Dương Đình Hùng phó Chủ tịch Hội Giải phẫu thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh đã nhận lời giúp đỡ, và lan tỏa kết nối để Hạnh có thể được điều trị lâu dài. Liên tục trong nhiều dịp học sinh được nghỉ hè và tết, tôi đã đưa mẹ con Hạnh đến một số Bệnh viện ở Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh, tận mắt chứng kiến nhiều cuộc vi phẫu tái tạo mặt cực kỳ khéo léo do các chuyên gia hàng đầu thực hiện.

Giữa tháng 6/2017 tôi gặp lại Hạnh ở Đà Nẵng. Cô đến điểm hẹn với gương mặt không khẩu trang và nụ cười tươi tắn. Hạnh vừa nhận tháng lương đầu cho phần việc giao dịch với du khách nước ngoài ở một cơ sở du lịch, với mong muốn tìm được một nghề tốt hơn tại “thành phố đáng sống” này, để nhanh chóng có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó như mình, trước kia. 

Tìm lại nụ cười cho Hạnh ảnh 1 Hồng Hạnh bây giờ.

Chỉ mong giúp được nhiều người khác

Không thể đếm chính xác hết số lần mẹ đưa Hạnh ra Bắc, vào Nam theo lịch hẹn thực hiện các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, em chỉ ước có khoảng hơn 40 chuyến hành trình lênh đênh. Ba mẹ rời quê Hà Nam vào Đắk Lắk hơn 20 năm nay vẫn không mua nổi mảnh rẫy nào, phải nuôi con nhỏ, mẹ già bằng những đồng tiền làm thuê thấm đầy mồ hôi nước mắt.

Nếu không có sự giúp đỡ của các chuyên gia phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thông qua sự kêu gọi của báo Tiền Phong, thì có lẽ, trọn đời Hạnh vẫn giấu mặt mình sau mảnh khẩu trang đầy mặc cảm.

Sau hàng chục cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, thẩm mỹ viện Dương Đình Hùng ở TP Hồ Chí Minh, đến phần tái tạo hàm đòi hỏi cả kỹ thuật lẫn phương tiện đặc biệt, bác sĩ Hùng đã nhờ bạn thân là một chuyên gia người Việt, quốc tịch Canada làm việc trong một bệnh viện Quốc tế tiếp tục hỗ trợ. Chỉ riêng năm học lớp 12, Hạnh đã có hàng chục lượt cuối tuần đón xe đò xuống TP HCM để bác ấy phẫu thuật tái tạo hàm và trồng răng
cho em.

Cứ tan thuốc mê, đỡ đau là Hạnh lại mở sách ra học bù. Các khoản học bổng trường ưu tiên dành tặng dù nhỏ bé, cũng giúp em chia sẻ bớt nỗi vất vả của cha mẹ. Hạnh chọn vào trường đại học Duy Tân ở Đà Nẵng vì chất lượng học tốt, học phí vừa phải, lại là điểm giữa của các bệnh viện Nam-Bắc mà em cần phẫu thuật tiếp vào mỗi mùa hè.

Sau đợt phẫu thuật cuối cùng tại Bệnh viện Quân Y 108 vào mùa hè năm thứ 2 đại học, Hạnh tiếp tục được giới thiệu vào TP Hồ Chí Minh, gặp bác sĩ Võ Thành Trung. Bác sĩ Trung cho biết sửa mũi rất khó, chỉ có thể giúp trông khá lên chút xíu chứ không hoàn chỉnh được. Hạnh thưa khá hơn hiện tại là tốt rồi, và đã được bác sĩ Trung điều trị, chăm sóc rất ân cần.

Tìm lại nụ cười cho Hạnh ảnh 2 Hạnh đã vượt mọi khó khăn để tốt nghiệp loại giỏi.

Vào năm học thứ 3, Hạnh muốn học thêm tiếng Anh. Thầy Tiền nổi tiếng về đào tạo tiếng Anh ở Đà Nẵng nói sẵn lòng dạy miễn phí, chỉ với một điều kiện Hạnh phải gỡ bỏ khẩu trang khi vào lớp. Cô sợ hãi nghĩ mọi người sẽ kinh dị trước khuôn mặt dị dạng của mình. Nhưng khi bỏ khẩu trang, thầy cô, bạn bè vẫn đối xử với Hạnh rất bình thường, tự nhiên. “Thật may mắn vì em đã gặp được nhiều người tốt đến thế”. Hạnh chia sẻ.

“Em từng được nhiều người giúp đỡ, nên chỉ mong mình cũng giúp đỡ được nhiều người khác. Tai nạn nghiệt ngã trong quá khứ, bây giờ trực diện nhìn lại, đã giúp em sống càng tự tin, mạnh mẽ, mong muốn được đóng góp thật hữu ích cho đời...” – Hạnh nói.

Thầy Đoàn Tranh đại học Duy Tân: Tôi là thầy giáo Chủ nhiệm lớp K17 QTC của Hạnh. Vượt qua mọi tự ti mặc cảm, Hồng Hạnh đã tích cực tham gia mọi phong trào tình nguyện, là Phó bí thư Đoàn toàn Khoa, được tặng nhiều giấy khen về thành tích hoạt động Đoàn xuất sắc, là “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố, và tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tài chính Ngân hàng với học lực giỏi. Đối với toàn trường, Hồng Hạnh đã thể hiện một nhân cách sống rất đẹp, đặc biệt giàu nghị lực vượt khó.

MỚI - NÓNG