Tiếp nhận có chọn lọc lao động Trung Quốc trở lại làm việc

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
TPO - Ngày 25/2, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung họp với các cơ quan, đơn vị thuộc bộ để chỉ đạo các giải pháp phòng chống dịch virus Covid-19. Trong đó đáng chú ý là yêu cầu dừng đưa lao động Việt Nam tới vùng có dịch, tiếp nhận có chọn lọc lao động Trung Quốc sang Việt Nam làm việc.

Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan liên quan thuộc bộ quán triệt các nhiệm vụ, phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh; bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực quản lý đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân.

Với lao động trong nước, ông Dung yêu cầu các cơ quan của bộ rà soát, nắm tình hình lao động, việc làm của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo sản xuất, đời sống người lao động; kiểm soát chặt lao động qua khu vực biên giới.

Về việc tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc, ông Dung yêu cầu các đơn vị: Xây dựng phương án tiếp nhận có chọn lọc, theo trình tự chặt chẽ và có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc; Đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm ổn định tư tưởng của các lao động trong doanh nghiệp. Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly.

Bộ LĐ-TB&XH giao Cục Việc làm tham mưu cho Bộ xây dựng phương án cụ thể về tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc, báo cáo lãnh đạo Bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (nhất là lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), các đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH được yêu cầu tăng cường kết nối người lao động ở nước ngoài, tuyên truyền để người lao động sử dụng phần mềm kết nối lao động COLAB SOS. Cùng đó, tuyên truyền để người lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở tỉnh Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, khai báo y tế (kể cả lao động bất hợp pháp). Lao động hết hạn hợp đồng về nước phải thực hiện cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp không chấp hành. 

Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án chỉ đạo và ứng phó kịp thời khi tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, nhất là khu vực đúng tâm dịch.

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các cơ quan trực thuộc rà soát chính sách để hướng dẫn doanh nghiệp về tiền lương, ngừng việc, bị đình trệ sản xuất kinh doanh… do dịch.

Căn cứ tình hình hiện tại, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp được yêu cầu hướng dẫn các trường nghề trên toàn quốc tổ chức cho học sinh, sinh viên đi học trở lại bình thường từ ngày 2/3/2020. Cùng đó phải quan tâm công tác phòng dịch, như khử trùng trường học, giám sát sức khoẻ giáo viên và học viên…

Các Trung tâm điều dưỡng người có công, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy cần thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, các biện pháp phòng chống dịch bệnh và theo dõi sức khoẻ. Các đơn vị không tổ chức các hoạt động có quy mô lớn; không tổ chức việc trị liệu tập trung đông người; hạn chế việc thăm gặp đối tượng tại trung tâm, cơ sở.

Các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội chú trọng kiểm soát đối với đối tượng tiếp nhận mới.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.