Tiếp bài 'Rừng bị thảm sát, gỗ lậu về đâu': Nguyên Chủ tịch tỉnh thanh minh

Phóng viên báo Tiền Phong dẫn lực lượng chức năng vào hiện trường vụ lâm tặc tàn phá cánh rừng giáp ranh giữa huyện Ia Pa và Kông Chro ở Gia Lai
Phóng viên báo Tiền Phong dẫn lực lượng chức năng vào hiện trường vụ lâm tặc tàn phá cánh rừng giáp ranh giữa huyện Ia Pa và Kông Chro ở Gia Lai
TP - Những ngày gần đây, người dân Gia Lai truyền tai nhau việc ông Phạm Thế Dũng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) có bộ sưu tập gỗ quý, ông Dũng giải thích rằng: Gỗ trong nhà đều có nguồn gốc. 

Theo đó, bản thân ông Dũng cũng không sưu tập gỗ, như bộ bàn ghế trong nhà ông ngoài thị trường cũng có bán. Không chỉ ở Gia Lai mà nhiều điểm bán đồ mộc mỹ nghệ trên cả nước có bán. “Bộ bàn ghế đó đẹp nhưng không phải bộ sưu tập "đỉnh" nhất”, ông Dũng nói và giải thích thêm: Bộ bàn ghế này chỉ “hơn trăm triệu thôi”.

Tiếp bài 'Rừng bị thảm sát, gỗ lậu về đâu': Nguyên Chủ tịch tỉnh thanh minh ảnh 1 Nhà gỗ bên trong trụ sở Tỉnh uỷ Gia Lai

Để khách quan, PV Tiền Phong đề nghị đến nhà kiểm chứng giấy tờ mua gỗ của nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, tuy nhiên, ông Phạm Thế Dũng từ chối: “Anh nói thế này này: Cái đấy anh mua năm 2007 cơ, đồ đạc thành phẩm không cần giấy tờ gì hết”...

Trước đó, trao đổi với PV Tiền Phong, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang nói rằng, cách đây tầm chục năm, thời điểm Binh đoàn 15 ở thời kỳ “hoàng kim” về cao su, anh “Tám” Dũng (ông Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) và một số lãnh đạo khác đã “đặt vấn đề”. Từ đó, Binh đoàn 15 tặng căn nhà bên trong trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, chứ không phải tiền ngân sách của tỉnh. Về nội dung này, ông Dũng nói gắt với phóng viên: “Chuyện anh gợi ý để xin cái bộ nhà rường là không có. Anh làm cho Ủy ban chứ không làm cho Tỉnh ủy. Anh sẽ gọi Bí thư tỉnh Gia Lai để nói bây giờ. Anh không xin cho Ủy ban thì thôi, chứ xin cho Tỉnh ủy làm gì. Anh cũng không gợi ý”.

Một lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Lai nghỉ hưu sau khi đọc bài báo Tiền Phong đã bày tỏ quan điểm: “Phải giữ rừng bằng mọi giá, vì biến đổi khí hậu thấy rất rõ rồi. Đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn một phần do các đập thủy điện, nhưng cũng có nguyên nhân quan trọng là do phá rừng ở Tây Nguyên”. Theo vị lãnh đạo này việc ra “nghị quyết” của địa phương nhiều khi lại là nguyên nhân cốt lõi của phá rừng. Đơn cử như vụ việc chuyển đổi 50 nghìn ha rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai, hiện giờ không hiệu quả. “Giữa trồng rừng và khai thác đều có vấn đề. Trồng cũng không ra trồng, mà phá thì phá toàn những rừng quý, rồi trồng lại những cây vớ vẩn. Do đó giữa quản lý, bảo vệ, khai thác, tàn phá chênh lệch quá lớn. Các lãnh đạo hiện tại ở địa phương cần phải xem xét để quyết định giải pháp hữu hiệu, phù hợp”, vị này nói.

Liên quan căn nhà gỗ hoành tráng trong trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai (nay theo lời lãnh đạo tỉnh Gia Lai làm nơi tiếp khách) được Binh đoàn 15 tặng vào thời “hoàng kim”, không hiểu sao nhiều lãnh đạo tỉnh này nhắc tới đơn vị này với sự kiêng nể. Đây là một đơn vị làm kinh tế có tiếng ở Tây Nguyên và gần đây có nhiều vụ việc tiêu cực dẫn tới lãnh đạo doanh nghiệp trực thuộc bị bắt.

Để làm rõ hơn Binh đoàn 15 có liên quan thế nào tới những sai phạm mà báo Tiền Phong đã nêu và cả việc tặng nhà gỗ đồ sộ cho Tỉnh ủy Gia Lai, phóng viên nhiều lần liên hệ với đơn vị này, nhưng đổi lại là sự né tránh. Thay vào đó,  ông Trịnh Văn Huy, Trưởng Ban Tuyên huấn Phòng Chính trị (Binh đoàn 15), khi trao đổi, chỉ báo cáo thành tích cho Binh đoàn 15: “Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, địa bàn chủ yếu ở các huyện biên giới tại Gia Lai, Kon Tum; tạo công ăn việc làm cho hơn 16 nghìn lao động (người đồng bào dân tộc thiểu số hơn 8 nghìn người)...”.

Trách nhiệm của UBND tỉnh

Liên quan đến tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn Gia Lai mà báo Tiền Phong phản ánh những ngày qua, ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, khi báo chí phản ánh, kiểm lâm địa bàn phải báo cáo giải trình những thông tin báo này. Riêng việc chơi cây gỗ khủng trên địa bàn Gia Lai, cơ quan chức năng cần phải về tận nơi điều tra nguồn gốc. Việc kiểm tra, xác minh cũng không khó. Ví dụ như cây hợp pháp phải nằm trong nơi được cấp quyền sử dụng đất. “Từ trước đến giờ Thủ tướng, Bộ đã ra nhiều văn bản, chỉ đạo quyết liệt, không dung túng cho việc phá rừng. Còn để xảy ra mất rừng, trách nhiệm là của UBND tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn”, ông Công nói.

Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với những người có trách nhiệm tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và nhiều cơ quan liên quan khác nhưng đều bị từ chối.

MỚI - NÓNG
Góp ý đề án thành lập 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương
Góp ý đề án thành lập 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tổ chức hội nghị sáng 13/12, góp ý vào Dự thảo khung Đề án thành lập 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương (Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.