Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Kết nối cộng đồng, tạo điều kiện cống hiến

Chị Hoàng Hà Mỹ Ý: Các du học sinh có thể cùng chung tay phát triển Việt Nam.
Chị Hoàng Hà Mỹ Ý: Các du học sinh có thể cùng chung tay phát triển Việt Nam.
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, Đoàn cần tăng cường cơ chế kết nối cộng đồng cho sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với các tổ chức Đoàn, Hội trong nước để hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ cống hiến cho quê hương.

Còn nhiều khó khăn

Từng làm công tác Đoàn khi theo học tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), hiện là nghiên cứu sinh ngành Vi sinh học tại ĐH bang Michigan (Michigan State University), Hoàng Hà Mỹ Ý vẫn quan tâm đến các hoạt động của Đoàn, của giới trẻ. Mỹ Ý rất mong muốn, ĐH Đoàn sắp tới có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ cho du học sinh Việt Nam. Bản thân Mỹ Ý khi đi du học nước ngoài nhận thấy, không chỉ bản thân cô mà nhiều du học sinh Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ.

Trong các bài thi trước đây, điểm môn nghe của cô đều rất tốt nhưng đến khi tiếp xúc trong môi trường nói tiếng Anh, Mỹ Ý mới nhận ra ngôn ngữ vẫn là một rào cản lớn. “Lúc mới sang, khi đi ăn ở nhà hàng, mình không hiểu được nhân viên nói gì và cũng không biết món gì để gọi. Sau một thời gian, khả năng tiếng Anh của mình có tiến bộ lên. Các bạn ở đây rất tốt, thường giải thích giúp khi mình không hiểu hoặc đọc sai từ”, Mỹ Ý nói.

Hoàng Hà Mỹ Ý cho rằng, việc kết nối, tạo thành cộng đồng sẽ trợ giúp được du học sinh nơi đất khách quê người. Hiện ở Mỹ có Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kì, đây là một mạng lưới lớn và rất tốt để kết nối du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Ngoài ra, ở mỗi trường ĐH cũng có hội sinh viên của mỗi nước. “Mình nghĩ rằng Đoàn có thể thông qua các hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài làm đầu mối để liên kết với du học sinh. Ngoài ra, cần tổ chức những hoạt động để các sinh viên ở Việt Nam và nước ngoài có thể tham gia, nâng cao sự tương tác, giao lưu (cùng học tiếng Anh, thi viết, thi tài năng,…).  Các du học sinh có thể tổ chức nhiều dự án với mục đích cùng chung tay phát triển Việt Nam”, Mỹ Ý nêu quan điểm.

Mỹ Ý đang tham gia thực hiện dự án Việt Nam Bookdrive, thành lập bởi tổ chức Hội Sinh viên và các giảng viên người Việt tại Hoa Kỳ (VEFFA). Mỹ Ý cho biết, dự án này vận chuyển và trao tặng hàng ngàn sách giáo khoa và sách khoa học đến nhiều trường ĐH tại Việt Nam. Tại Việt Nam, dự án hợp tác với nhiều tổ chức và cá nhân để mở các thư viện miễn phí cho trẻ em tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam. “Đoàn thanh niên có thể hỗ trợ trong quá trình nhận sách từ cảng tại Việt Nam, hay giới thiệu những cá nhân tổ chức có nhu cầu và cùng chung mục đích thì rất tốt”, Mỹ Ý nói.

Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Kết nối cộng đồng, tạo điều kiện cống hiến ảnh 1 Anh Nguyễn Ngọc Hoàn: Cần tạo điều kiện cho thanh niên có nguyện vọng về xây dựng Tổ quốc.

Liên kết để mời gọi về nước cống hiến

Là người du học lâu năm bên Hàn Quốc, anh Nguyễn Ngọc Hoàn, nguyên Chủ tịch Hội SVVN tại Hàn Quốc các khóa 3, 4, 5 cho rằng, khó khăn và rào cản lớn nhất để du học sinh Việt hòa nhập với người dân bản xứ là ngôn ngữ. Từ đó, du học sinh Việt mất đi nhiều cơ hội trong học tập và cuộc sống.

"Cần định hướng rõ ràng, tận dụng nguồn lực ngoài nước, tránh hiện trượng cháy máu chất xám. Nhiều khi anh em muốn về, nhưng rất mông lung, không biết về đâu phù hợp, có được đóng góp không, có cơ chế rõ ràng để phát triển không..."

Anh Nguyễn Ngọc Hoàn

Theo anh Hoàn, du học sinh Việt phải chủ động tìm hiểu văn hóa, con người bản địa, đồng thời kết bạn với học sinh địa phương để nâng cao năng lực ngoại ngữ của bản thân. “Với địa bàn Hàn Quốc, việc kết nối cộng đồng với nhau có nhiều thuận lợi như có sự hỗ trợ rất nhiều của ĐSQ Việt Nam, của các tổ chức bản địa; đồng thời, số lượng người Việt Nam ở Hàn Quốc cũng rất đông, nên tại các khu vực nhất định đều có các tổ chức cộng đồng nhỏ. Khi cần các tổ chức này có thể chủ động kết nối với nhau. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn nhỏ, như vị trí địa lý xa cách, thời gian rất eo hẹp, với người lao động, học sinh thời gian làm việc, học tập rất nhiều, không có nhiều thời gian dành cho cộng đồng. Việc kết nối với các tổ chức trong nước còn lỏng lẻo, chưa có tiếng nói chung thiết thực trong việc hỗ trợ thanh niên ở nước ngoài đặc biệt là trong vấn đề hỗ trợ về nước”, anh Hoàn nói.

Về việc tổ chức Đoàn hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong hội nhập quốc tế, anh Hoàn cho rằng, hỗ trợ ở trong nước cho sinh viên nước ngoài hội nhập quốc tế ít có tác dụng, tuy nhiên cũng nên có nhiều hoạt động tổ chức định kỳ tại nhiều nước để sinh viên các nước có thể tập hợp, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. “Mình có đề xuất Đoàn hỗ trợ hoặc chỉ đạo các tổ chức Hội ở nước ngoài, thành lập các CLB sinh hoạt định kỳ, nếu có thể thì hỗ trợ kinh phí hoạt động, hoặc khuyến khích các CLB tự vận động nguồn vốn xã hội hóa”, anh Hoàn nói.

Chia sẻ về quan điểm du học sinh phải “về nước mới là cống hiến”, anh Hoàn cho biết, bây giờ là thời đại công dân toàn cầu, nên việc về nước mới được coi là cống hiến không phải là quan niệm đúng đắn. “Người ta có thể cống hiến cho đất nước trực tiếp hoặc gián tiếp, từ xa; hoặc coi việc đóng góp chung cho sự phát triển của nhân loại cũng là đóng góp cho chính đất nước mình”, anh Hoàn nói. Phân tích thêm, anh Hoàn cho biết, anh từng nhiều lần góp ý các tổ chức Đoàn, Hội trong nước tạo nhiều kênh thông tin việc làm, giới thiệu, hỗ trợ cho sinh viên, thanh niên Việt Nam có nguyện vọng về nước xây dựng Tổ quốc.

Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI là sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Với mong muốn xin ý kiến đóng góp của đoàn viên, thanh niên, tuổi trẻ cả nước và các tầng lớp nhân dân làm dự thảo được hoàn thiện hơn, báo Tiền Phong đã giới thiệu toàn văn của dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X trên: www.tienphong.vn. Mời bạn đọc đóng góp ý kiến gửi về địa chỉ email: donggopdoan@gmail.com

MỚI - NÓNG