Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Nước sạch yêu thương

Học sinh uống nước tinh khiết miễn phí. Ảnh: H.T.
Học sinh uống nước tinh khiết miễn phí. Ảnh: H.T.
TP - Gắn bó với màu áo xanh tình nguyện, hai cán bộ đoàn ở huyện Krông Ana và huyện giáp biên Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đã có nhiều sáng kiến và chương trình hành động rất hiệu quả, tạo được dấu ấn đẹp cho phong trào tuổi trẻ trên Tây Nguyên.  

Những công trình độc đáo

Về huyện biên giới Ea Súp, nhắc đến bí thư Huyện Đoàn Lê Hồng Hạnh, nhiều người dân, nhất là giáo viên, học sinh ở điểm trường khó khăn đều biết. Bởi anh là người có nhiều ý tưởng, sáng kiến hay trong việc tập hợp ĐVTN, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay thực hiện nhiều công thiện nguyện như: “Nước sạch vì yêu thương”, “Trường đẹp cho em”, “Xe đạp cho em”...

Anh Lê Hồng Hạnh thường xuyên đi cơ sở, tìm hiểu khó khăn của người dân rồi tìm cách giúp đỡ. Năm 2013, trong một lần đi công tác ngang qua trường tiểu học Lê Hồng Phong (xã Cư Kbang), thấy cảnh học sinh tranh nhau “giải khát” bằng nước lã đựng trong thùng phi ven đường, anh Hạnh chụp lại, chia sẻ trên mạng xã hội và kêu gọi nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ để Huyện Đoàn tổ chức xây công trình nước sạch.

Sau 7 tháng tất bật thi công, tháng 7/2014, công trình “Nước sạch yêu thương” đã hoàn thành đưa vào sử dụng, cung cấp nước tinh khiết miễn phí cho toàn thể học sinh, cán bộ giáo viên trong trường và hơn 600 hộ dân làng Mông xã Cư Kbang. Phát huy kết quả này, từ năm 2014 đến nay, anh Hạnh đã kêu gọi tài trợ, nhân rộng mô hình nước sạch tại 20 trường học, điểm trường cùng 5 khu dân cư trên địa bàn huyện với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng.

Hưởng ứng phong trào xây dựng “Trường đẹp do em” do Trung ương Đoàn phát động năm 2013, anh Hạnh giữ vai “đầu tàu” trong việc tranh thủ sự ủng hộ của nhiều mạnh thường quân, năng động xây dựng được 3 điểm trường và bổ sung phòng học cho các khu vực đặc biệt khó khăn với tổng trị giá hơn 2,3 tỷ đồng. Với những học sinh nghèo vượt khó, anh cũng kết nối các nhóm từ thiện tặng xe đạp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, lần đầu tiên huyện Ea Súp có điểm thi tại chỗ, anh Hạnh đã chỉ đạo thành công Chương trình “Tiếp sức mùa thi - Đồng hành cùng sĩ tử”, hỗ trợ hàng trăm thí sinh, người nhà thí sinh có chỗ ở miễn phí. Những đóng góp trên của anh được các cấp chính quyền địa phương, Trung ương biểu dương khen thưởng. Gần đây, anh nhận được 2 Bằng khen của Trung ương Đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong Tháng Thanh niên, công tác Đoàn, phong trào thiếu nhi năm 2017.

Mang con chữ đến buôn nghèo

Năng nổ, nhiều sáng kiến và đầy nhiệt huyết…, là nhận xét mà nhiều người dân địa phương dành cho anh Đào Đức Hiệp, nguyên Phó bí thư Huyện Đoàn Krông Ana.

Chứng kiến cảnh người dân mỗi lần giao dịch phải dùng tay điểm chỉ, anh Hiệp đã tham mưu với cấp trên mở lớp xóa mù chữ. Hè năm 2016, Huyện Đoàn phối hợp với Hội LHPN huyện mở 2 lớp dạy xóa mù chữ cho 40 phụ nữ. Học xong các học viên đều biết đọc, viết. Trước thành công trên, UBND huyện quyết định đưa lớp xóa mù chữ thành mục tiêu hành động cho các xã, thị trấn thực hiện.

Ngoài việc tổ chức dạy học miễn phí, anh Hiệp với vai trò là chủ nhiệm CLB Khát vọng xanh Krông Ana (thuộc Hội LHTN Việt Nam huyện) - đơn vị trực thuộc mạng lưới tình nguyện khu vực Tây Nguyên của Trung ương Đoàn, đã tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện như xây nhà nhân ái, trao học bổng tiếp sức đến trường, kêu gọi hiến máu nhân đạo…

Đầu năm 2017, anh Hiệp chuyển sang làm cán bộ quản lý văn hóa. Ở vị trí mới, anh vẫn duy trì các hoạt động thiện nguyện, đồng thời đưa CLB phát triển theo một hướng mới, mở tour du lịch “Trải nghiệm văn hóa Ê Đê”, góp phần đắc lực vào việc gìn giữ văn hóa truyền thống, tạo công ăn việc làm cho đồng bào bản địa.

Với những đóng góp trên, anh Hiệp và CLB nhận được nhiều giấy khen, bằng khen các cấp. Năm 2015 CLB Khát vọng xanh Krông Ana được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia tặng giấy chứng nhận là đơn vị xuất sắc trong phong trào tình nguyện; năm 2016, anh Hiệp được T.Ư Hội LHTN Việt Nam tặng Bằng khen là cán bộ Đoàn - Hội - Đội tiêu biểu khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2015-2016; được Huyện Đoàn và UBND huyện khen thưởng thành tích xuất sắc trong chiến dịch xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Tháng 7/2014, công trình “Nước sạch yêu thương” đã hoàn thành đưa vào sử dụng, cung cấp nước tinh khiết miễn phí cho toàn thể học sinh, cán bộ giáo viên trong trường và hơn 600 hộ dân làng Mông xã Cư Kbang. Phát huy kết quả này, từ năm 2014 đến nay, anh Hạnh đã kêu gọi tài trợ, nhân rộng mô hình nước sạch tại 20 trường học, điểm trường cùng 5 khu dân cư trên địa bàn huyện với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.