Những ngày qua, dư luận xôn xao việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ giả làm giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học, thậm chí suýt trở thành trưởng khoa của Trường CĐ Công Thương. Khi Trường CĐ Công Thương xác minh văn bằng của ông Hải để bổ nhiệm, việc dùng bằng tiến sĩ giả của ông này mới bị khui ra.
Điều đáng ngạc nhiên là không chỉ “suýt” trở thành trưởng khoa, ông Hải đã từng làm giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trường đại học, trong đó, có cả trường công và trường tư khá nổi tiếng. Câu hỏi đặt ra, tại sao một người dùng bằng tiến sĩ giả lại có thể qua mặt được nhiều đơn vị tuyển dụng của nhiều trường đại học?
Ngay sau đó, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát, điều này đã có trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ mới mong hạn chế những hiện tượng này?
Sắp tới, Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục. Cũng theo Cục Quản lý chất lượng, đơn vị này đang thí điểm, đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
TS Hoàng Ngọc Vinh- Nguyên vụ trưởng, Vụ giáo dục chuyên nghiệp |
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên vụ trưởng, Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đó là dấu hiệu tích cực của việc ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT. Bản thân các trường đều có cơ sở dữ liệu về văn bằng chứng chỉ…và cơ quan tuyển dụng có thể đề nghị cơ sở đào tạo cung cấp thông tin về văn bằng trước khi tuyển dụng. Khi tích hợp cơ sở dữ liệu từng trường vào cơ sở dữ liệu quốc gia việc kiểm soát sẽ chặt chẽ hơn.
Ông Vinh khẳng định, điều quan trọng vẫn là trách nhiệm tuyển dụng và trách nhiệm giải trình của cơ sở tuyển dụng lao động…Với các cơ sở giáo dục cần được bồi dưỡng kỹ năng tuyển dụng để có thể chọn đúng người cho đúng vị trí việc làm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, về cơ bản quy trình tuyển dụng ở các trường đại học, cao đẳng rất chặt chẽ. Nếu thực hiện đúng quy trình, tuyển dụng minh mạch công khai thì các đơn vị tuyển dụng vẫn có thể phát hiện ra những người đi xin việc sử dụng văn bằng giả.
Ông Nam cho rằng, vấn đề bằng giả phải nhìn rộng ra. Qua sự việc thế này thì không dừng lại ở bằng giả nữa. Còn cả bằng thật chất lượng giả. "Không chỉ ở Việt Nam, chuyện sính bằng cấp còn xảy ra ở nhiều nước. Tình trạng bán bằng cũng có dẫn tới trường đại học trở thành “factory mill” tức là nơi sản xuất văn bằng. Những lò đào tạo bằng cấp tốc, học viên học xong có khi ra trường có bằng đấy nhưng chất lượng chuyên môn không có"- ông Nam nêu quan điểm.
Vậy có nên công khai tất cả văn bằng, bằng chứng chỉ lên trên mạng để tránh những gian lận như thế này không? Ông Nam cho rằng, chỉ nên công khai văn bằng, chứng chỉ ở những bộ phận chịu trách nhiệm mà thôi.
Còn nhiều vụ bằng giả chưa lộ?
“Liệu đây có phải là vụ việc mang tính chất cá biệt không? Nếu có một cuộc kiểm tra lại hết bằng cấp ở các đơn vị tuyển dụng thì có lộ ra nhiều hồ sơ như vậy”?
Về vấn đề này, ông Vinh nêu quan điểm, chắc còn nhiều vụ nữa vì qua quảng cáo trên mạng hoặc gửi tin nhắn quảng cáo về cung cấp văn bằng khá nhộn nhịp chứng tỏ xã hội có những người cần mua bằng rởm mặc dù ngành công an đã điều tra khá nhiều vụ làm giả văn bằng…
Ông Vinh cho rằng, việc kiểm tra hồ sơ là cần thiết nhất là trong những trường hợp năng lực của người nào đó kém xa so với trình độ được ghi vào văn bằng. Để hậu kiểm cũng là quá muộn vì thế ngay từ đầu vào phải rà soát hồ sơ, phỏng vấn, thử việc… để lọc trước.
“Hậu quả của bằng cấp rởm có thể gây hậu quả khôn lường nhất là với ngành Y, giáo dục. Đặc biệt dùng bằng giả chui vào cơ quan công quyền thì nguy hại đến cả xã hội. Ở trường hợp này thì rõ, còn nhiều trường hợp học giả bằng thật thì việc kiểm tra hồ sơ không mấy ý nghĩa”- ông Vinh nêu quan điểm.