Có anh giám đốc nọ, thu nhập mỗi năm đến cả tiền tỷ, nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến việc cho vợ đứng tên trên bất cứ giấy tờ đăng kí, hay sổ tiết kiệm nào. Vợ chồng không ít lần cãi cọ về chuyện tiền bạc ai giữ, vì trong khi chị muốn quy hết về một mối, thì anh nhất định bảo không, rằng tiền đấy còn để quay hồi vốn kinh doanh. Và mỗi tháng, anh chỉ đưa vợ một số tiền nhỏ, tối thiểu để lo cho con và các sinh hoạt phí trong nhà.
Đàn bà khi không độc lập được tài chính thì khổ vô cùng. Giống như chị, làm viên chức nghèo, lương ba cọc ba đồng, nhiều khi còn chẳng đủ xăng xe nếu lỡ trong tháng có phát sinh vài ba cái thiệp mời đám cưới hay phải đến thăm cô bạn nào vừa mới sinh. Hỏi anh, thường cũng chỉ nhận thêm những câu nói kéo dài đến cả mấy ngày hôm sau như: “Tiền tôi còn có đủ trăm thứ phải lo nữa đấy, chứ ai được rảnh tay như cô đâu!”.
Và vì không rảnh tay nên anh chẳng bao giờ mua nổi cho vợ một món quà đúng nghĩa, đến ngày lễ tết cũng xua tay trước những hàng hoa mời gọi. Anh cũng chưa bao giờ biết đến việc dẫn vợ con đi đến nhà hàng nào, vì với anh, cơm nhà là tuyệt nhất, ngon, sạch, bổ và quan trọng là rẻ. Nhưng có những hôm nhà hết gạo hay thứ gia vị nào trước bữa cơm, anh đều hỏi lại vợ đúng một câu: “Đã lại hết rồi ư? Mỗi ngày ăn có một bữa mà sao nhanh hết vậy?” Khiến chị cứng đờ, không biết trả lời sao.
Câu hỏi tương tự của anh cũng lặp lại khi chị hỏi tiền mua xà phòng, nước lau nhà hay kem đánh răng… Chị chẳng thể hiểu được, vì sao anh đã lên chức giám đốc, trăm thứ nghìn thứ bận phải suy nghĩ, tính toán rồi thì còn có thể so đo gì nhiều chuyện chai dầu, lọ nước mắm trong nhà như thế. Chị cảm giác khó chịu vô cùng trước mỗi câu nói của anh, cứ thấy như riêng mình là người hoang phí hay bớt xén gì của anh cho chăng.
Với bên ngoại thì anh cũng chẳng bao giờ biết biếu lấy đôi đồng cho chị “mát mặt” hay cảm thấy tròn nghĩa vụ. Ngược lại, anh còn khiến chị không biết giấu mình đi đâu trong những lần bên ngoại cứ hỏi anh giám đốc ở thành phố có đóng góp gì không cho cái mộ tổ đang có ý định xây, hay cổng làng muốn được tu sửa lại… Thậm chí, bố chị có lần nằm viện cả tuần ở thành phố vì viêm phổi, cũng chẳng thấy con rể có ý kiến gì chuyện thăm nom đôi ba đồng lấy lễ và chỉ ghé qua được đúng một lần, nói chuyện được vài câu lại về.
Lâu dần, vì chẳng thể chịu đựng được những lời như cứa vào tim từ chồng mình nữa, bức bách, chị tranh thủ chút thời gian rảnh việc để bươn chải bằng buôn bán online, gắng kiếm thêm tiền. Rồi thì tính anh vốn “vắt cổ chày ra nước”, nên khi thấy chị có thêm đồng ra đồng vào, lại cố phân chia trách nhiệm gánh vác gia đình cho cả chị nữa. Nghĩa là nếu anh đóng tiền phí dịch vụ ở chung cư, thì chị phải đóng tiền gửi xe, hay khi anh đóng tiền điện thì chị phải đóng tiền nước… Và thậm chí anh còn đề nghị, số tiền chị kiếm được nên đưa hết cho anh, để nhập vào luôn một khoản lo cho gia đình. Chuyện tiền bạc ai giữ lại thêm một lần nữa được đưa ra nói lại, và đương nhiên, vẫn là cãi cọ không hồi kết.
Đến mức, chị chẳng thể hiểu được, mối quan hệ vợ chồng còn lại gì, khi tiền nong rành rọt đến mức kiệt cùng như thế. Chị cũng không thể biết, cuộc sống hôn nhân có nghĩa chi ngoài một mớ nghĩa vụ nhập nhằng quấn lấy chị mỗi ngày đến kiệt sức, khi con cái chị chẳng bao giờ biết được một ngày đi chơi đúng nghĩa có cả bố lẫn mẹ. Chị chua xót khi nghĩ đến việc con mình mang tiếng ở thành phố mà chẳng biết trung tâm thương mại ngoài đời thực rộng lớn như thế nào…
Vì những câu hỏi mãi sẽ chẳng có câu trả lời ấy, cuối cùng, chị dắt con bỏ đi, để lại cho anh một mảnh giấy trên bàn: “Anh có bao nhiêu tiền? Có đến tiền tỷ không? Liệu chừng ấy có mua nổi hạnh phúc hay không? Tạm biệt anh!”.