Tiêm vắc xin, lợn vẫn nhiễm dịch tả châu Phi, Cục Thú y nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo lãnh đạo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), việc một số hộ dân tiêm vắc xin dịch tả châu Phi nhưng lợn vẫn nhiễm bệnh do ở khu vực đó dịch bệnh đã xảy ra trên diện rộng từ trước, lợn đã có mầm bệnh. Trên thực tế,các ổ dịch phát sinh thời gian qua chủ yếu tại những địa bàn chưa tiêm vắc xin.

Nhiều địa phương lơ là, chủ quan

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 632 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 40.500 con lợn, tăng 3,25 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng...

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Thú y – Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại do thời gian qua giá lợn hơi tăng cao dẫn tới người dân tranh thủ tái đàn. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô chưa đảm bảo an toàn sinh học.

Đặc biệt, chính quyền địa phương có dịch chưa thực sự quan tâm vào cuộc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo quy định, chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh.

"Có tình trạng không ít địa phương lơ là, chủ quan trong chống dịch bệnh. Như Lạng Sơn, Bắc Kạn, khi dịch bùng phát mạnh theo quy định phải công bố nhưng chính quyền không thực hiện và chậm công bố dẫn tới việc dịch bệnh lây lan trên diện rộng", ông Long nói.

Tiêm vắc xin, lợn vẫn nhiễm dịch tả châu Phi, Cục Thú y nói gì? ảnh 1

Dịch tả lợn châu Phi đang tăng gấp 3,25 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ tiêm vắc xin chưa đến 20%

Đáng chú ý, dù vắc xin dịch tả lợn châu Phi đã được triển khai tiêm gần 1 năm nay nhưng theo lãnh đạo Cục Thú y, đến nay tỷ lệ tiêm còn thấp.

Thống kê của các doanh nghiệp cho thấy, hiện có gần 6 triệu liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi được tiêm thương mại, trong khi tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 27 triệu con. Đặc biệt, có tình trạng người dân còn e dè việc tiêm vắc xin do lo ngại tính hiệu quả chưa cao.

Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, qua công tác kiểm tra của Cục cho thấy, thời gian qua địa phương nào triển khai tiêm tốt, dịch bệnh cũng đỡ hơn. Như Cao Bằng nằm giữa Lạng Sơn, Bắc Kạn – hai tỉnh có dịch bùng phát mạnh nhất đợt này nhưng do số lượng vắc xin tiêm nhiều hơn nên dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn.

Theo ông Long, đến nay vắc xin dịch tả lợn châu Phi mới chỉ tiêm được cho lợn thịt. Còn lợn nái và lợn giống chưa đánh giá đầy đủ và chưa cho phép sử dụng.

Tuy nhiên, hiện người dân đều quan tâm đến lợn nái và lợn (đực) giống. Còn lợn thịt do đến thời điểm bán nên người dân "tặc lưỡi" không cần tiêm nữa mà cho xuất chuồng.

Lãnh đạo Cục Thú y khẳng định, về mặt kỹ thuật vắc xin dịch tả lợn đã được tiêm cả triệu liều cho lợn thịt và đều có hiệu quả tốt.

Về việc một số hộ dân tiêm vắc xin nhưng lợn vẫn nhiễm dịch, theo ông Long, do ở khu vực đó dịch bệnh đã xảy ra trên diện rộng từ trước, lợn đã có mầm bệnh nên tiêm không hiệu quả.

"Ngay tại Bắc Kạn, trung tâm vùng dịch tả lợn châu Phi hiện nay, khi chúng tôi kiểm tra, những hộ tiêm phòng vắc xin đều có đàn lợn đảm bảo an toàn, trong khi các hộ xung quanh không tiêm đều bị chết. Các ổ dịch phát sinh thời gian qua chủ yếu tại những địa bàn chưa tiêm vắc xin", ông Long nói.

Cục trưởng Thú y cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay là do công tác tuyên truyền, và nhận thức về vắc xin dịch tả lợn châu Phi chưa được thực hiện hiệu quả. Thời gian qua, hệ thống thú y từ cấp tỉnh đến cấp xã đều rất thiếu, yếu, chưa chủ động tuyên truyền kịp thời đến người dân, nên hầu như ở cấp thôn, bản, ấp, người dân rất mơ hồ về vắc xin dịch tả châu Phi.

"Qua các cuộc thực tế làm việc với các cơ sở ở địa phương, rất nhiều người ngỡ ngàng và chưa biết Việt Nam sản xuất ra được vắc xin dịch tả lợn châu Phi", ông Long nói.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ưu tiên tập trung mọi nguồn lực và trực tiếp chỉ đạo các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch.

UBND tỉnh Bắc Giang cần khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, khẩn trương phê duyện kế hoạch, ưu tiên bố trí mua vacxin tập trung cấp tỉnh để cấp phát cho các huyện, xã và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm cho toàn bộ lợn thịt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Khi có dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, Bắc Giang cần thực hiện việc công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, bảo đảm xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, không để dịch bệnh dai dẳng kéo dài.

MỚI - NÓNG