Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ khoảng tháng 9-11/2024, trạng thái La Nina có thể xuất hiện với xác suất 60-70%.
Do tác động của La Nina, từ tháng 9-11 hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm là 5,9 cơn. Trong đó, số cơn bão/áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (khoản 2,9 cơn).
Dự báo khu vực miền Trung và các tỉnh phía Nam có thể là nơi đổ bộ chính của các cơn bão/áp thấp nhiệt đới trong khoảng thời gian này.
Cơ quan khí tượng cũng lưu ý, thời gian này cần đề phòng các cơn bão hình thành ngay trên Biển Đông với diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khả năng đổ bộ đất liền rất cao.
Bão có thể hoạt động dồn dập trên Biển Đông từ tháng 9-11. |
Từ đầu mùa bão đến nay, Biển Đông đã xuất hiện một áp thấp nhiệt đới và hai cơn bão gồm bão số 1-MALASKA và bão số 2-PRAPIROON. Cả 3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới này đều hình thành ngay tại Biển Đông. Trong đó áp thấp nhiệt đới và bão số 2 dị thường, trái quy luật.
Áp thấp nhiệt đới hình thành và hoạt động trên Biển Đông trong thời gian từ 13-16/7 đã hướng về đất liền các tỉnh miền Trung, thay vì các tỉnh miền Bắc hay đi lên Trung Quốc như quy luật khí hậu thường thấy.
Cơn bão số 2 hoạt động trên Biển Đông trong thời gian từ ngày 19-23/7, bão có diễn biến dị thường khi suy yếu trên đảo Hải Nam rồi nhanh chóng mạnh trở lại ở vịnh Bắc Bộ. Thời điểm mạnh nhất, bão đạt cấp 10, giật cấp 12.
Sáng sớm ngày 23/7, sau khi di chuyển vào vùng biển ven bờ khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng, cường độ bão giảm nhanh xuống cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Trên đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng ghi nhận gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10. Mưa lớn kỷ lục đã bao trùm khắp các tỉnh miền Bắc sau khi bão số 2 quét qua, gây ngập lụt nghiêm trọng ở một số địa phương như Điện Biên, Hà Nội.