Việc phá rào hay chà đạp lên các quy định, không sớm thì muộn sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho đất nước.
“Xe sang - Trịnh Xuân Thanh”; “Con bộ trưởng - Vũ Quang Hải”; “Thư ký Bộ trưởng-Chủ tịch Sabeco Võ Thanh Hà”, 3 cụm từ khóa hot nhất năm 2015 gây bão cộng đồng mạng suốt thời gian qua do liên quan những lùm xùm trong bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng chỉ là một lát cắt trong việc bổ nhiệm “con ông, cháu cha” tại nhiều doanh nghiệp nhà nước.
“Vì danh dự, con trai cựu bộ trưởng nên thôi chức ở Sabeco”, “Bố bổ nhiệm con là vi phạm chuẩn mực hành vi” và “xung đột lợi ích, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp”... cũng là những lời kêu gọi thẳng thắn đến nhức nhối được đích thân Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung và Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải nhiều lần đưa ra khi nhắc đến việc bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vào vị trí thành viên HĐQT, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Chuyện gia đình trị tại các doanh nghiệp không phải hiếm gặp ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, điểm khác cơ bản chính là việc này chỉ xảy ra tại những doanh nghiệp của chính họ xây dựng lên. Còn việc bố làm lãnh đạo cơ quan quản lý nhưng vẫn ngó lơ quy định để đưa người thân, đưa con về làm quản lý, lãnh đạo tại các doanh nghiệp nhà nước dường như chỉ xảy ra ở những nơi rất xa lạ, hoặc trong bối cảnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được hoàn thiện, chưa đầy đủ.
Chuyện rõ như ban ngày khi Điều 100 của Luật Doanh nghiệp đang còn có hiệu lực nêu rõ: Một bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu một tổng công ty thì bộ trưởng, thứ trưởng không thể cử người thân làm lãnh đạo tổng công ty này. Tuy nhiên, các quy định đã bị bỏ qua khi lãnh đạo Bộ Công Thương dường như đã quên mất vai trò là người quản lý doanh nghiệp nhà nước, vai trò cổ đông nhà nước để đưa con trai về làm lãnh đạo doanh nghiệp, bất chấp năng lực, kinh nghiệm chưa được chứng minh.
Doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí rơi vào cảnh khốn cùng chờ phá sản không phải là chuyện hiếm gặp tại nhiều DNNN thời gian qua khi việc chi tiêu, điều hành sai nguyên tắc của những “con ông, cháu cha” chưa từng một ngày có kinh nghiệm làm lãnh đạo. Trong bối cảnh nhà nước đang thúc đẩy cải cách DNNN, các bộ trưởng, các tư lệnh ngành phải là những người làm gương, phải hành động quyết liệt trong việc thượng tôn pháp luật. Chừng nào những hành động vượt rào về luật pháp bị nghiêm trị, chừng đó tình trạng “con ông, cháu cha” sẽ được giảm bớt.