Thuốc điều trị bị làm giả, bệnh nhân lãnh đủ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sử dụng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả có thể khiến bệnh nhân phải trả giá bằng sinh mạng. Hiện nay bao bì, nhãn mác và các mặt hàng giả thuốc, thực phẩm chức năng được làm ngày càng tinh vi nhưng thủ tục và công cụ để xác định vi phạm hạn chế khiến việc phát hiện, xử lý đang gặp nhiều khó khăn.

Tại hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả, hiện trạng và giải pháp” diễn ra ngày 22/9 tại TPHCM, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết từ đầu năm 2022 đến nay lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã phát hiện nhiều vụ liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng như: giả về chất lượng, công dụng, giả tem nhãn, bao bì, hàng hóa và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thuốc điều trị bị làm giả, bệnh nhân lãnh đủ ảnh 1

Thuốc điều trị bệnh nếu bị làm giả, bệnh nhân sẽ phải trả giá bằng sinh mạng

"Hiện nay hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không khu trú ở một khu vực mà phát triển trên diện rộng cả trong nước và quốc tế. Các mặt hàng bị làm giả từ loại bình thường đến mặt hàng cao cấp"- ông Lê nói và dẫn chứng, trong thời gian dịch bệnh diễn ra, nhiều mặt hàng thuốc kháng virus từ nước ngoài tràn vào Việt Nam được quảng cáo tràn lan có công hiệu điều trị COVID-19 chưa được cấp phép đã buôn bán trên thị trường chợ đen.

Tiếp đến, tháng 6/2022 cơ quan chức năng đã phá đường dây sản xuất thuốc tân dược giả ngay trong chính công ty đã được cấp phép là Công ty Cổ phần dược phẩm Amtex Pharma (Cty Amtex Pharma, địa chỉ tại 279 A1, ấp 1B, xã Phong Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam dẫn nguồn cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, cứ 10 viên thuốc điều trị bệnh thì có 1 viên thuốc bị làm giả. 10% số thuốc được bán ra ở các nước phát triển là giả hoặc không đạt tiêu chuẩn làm cho hàng chục nghìn người tử vong.

Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Vấn nạn thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang hiện diện khắp nơi trên thế giới nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Thuốc giả đã len lỏi vào các kênh phân phối phi chính thức, các hiệu thuốc trực tuyến giả mạo, các kênh bán hàng qua mạng”.

Bệnh nhân lãnh đủ

Theo phân tích của PGS Lê Văn Truyền, bệnh nhân sử dụng thuốc giả hoặc thực phẩm chức năng giả chẳng những không mang lại hiệu quả điều trị mà còn đối mặt với các tác dụng không mong muốn hoặc mất đi “thời gian vàng” khiến bệnh diễn tiến nặng, tử vong.

Tuy nhiên, việc kiểm soát thuốc giả, thực phẩm chức năng giả đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông Đức Lê, ngay ở bao bì, nhãn mác sản phẩm thật và giả đặt cạnh nhau bằng mắt thường lực lượng kiểm tra cũng không thể nhận ra. Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước có khoảng 5.000 người nhưng phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ nên khó kiểm soát hết được nguy cơ của các mặt hàng bị làm giả, trong đó có thuốc và thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, khi phát hiện lô hàng bị làm giả thì việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn một phần do lực lượng quản lý thị trường thiếu chuyên môn liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng, mặt khác việc giám định thuốc hoặc thực phẩm chức năng có dấu hiệu bị làm giả đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh.

Để kịp thời ngăn chặn mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng bị làm giả đến tay người tiêu dùng, theo ông Đức Lê "Nhà nước cần có những công cụ giải pháp được pháp luật thừa nhận có thể hỗ trợ cho lực lượng quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ và đủ cơ sở để đánh giá, xác minh độ thật giả của sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường”.

MỚI - NÓNG