Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT 'siết' an toàn hàng không sau sự cố Vietjet

Bộ trưởng GTVT cảnh cáo hãng Vietjet sau một số sự cố mới đây.
Bộ trưởng GTVT cảnh cáo hãng Vietjet sau một số sự cố mới đây.
TPO - Sau hàng loạt sự cố về hàng không xảy ra mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát lại toàn bộ quy trình an toàn, an ninh hàng không, và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng. Ngay sau đó, Bộ trưởng GTVT đã có chỉ thị Về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không, và cảnh cáo hãng Vietjet.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng với Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT). Theo đó, thời gian vừa qua đã xảy ra một số sự cố trong quá trình khai thác của các hãng hàng không Việt Nam, có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng GTVT trực tiếp chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình, quy định trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay (đặc biệt là khu bay và hệ thống quản lý hoạt động); tuyệt đối không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng vừa có chỉ thị Về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không. Theo đó, tình trạng để xảy ra liên tiếp các sự cố hàng không của các hãng hàng không Việt Nam nói chung và của hãng hàng không Vietjet Air nói riêng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không, tâm lý hành khách. “Bộ GTVT nghiêm khắc cảnh cáo hãng hàng không VietJet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay trong thời gian vừa qua”, ông Thể nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng trên và đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt dịp Tết sắp tới, Bộ trưởng GTVT yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ GTVT về phục vụ đi lại người dân và an inh, an toàn, chất lượng phục vụ dịp Tết 2019.

Cục Hàng không phải tăng cườngkiểm tra, giám sát an toàn, an ninh hàng không đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác tàu bay của Hãng hàng không Vietjet Air. Trong đó, đặc biệt kiểm tra về bằng cấp, chứng chỉ của Tổ bay, nhân viên kỹ thuật phục vụ các chuyến bay, thời gian làm việc. Đánh giá lại toàn bộ yếu tố khai thác quản lý, đảm bảo kỹ thuật của Vietjet Air.

Đồng thời, áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không VietJet Air. Đặc biệt ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh. Thực hiện các giải pháp cần thiết đối với hãng hàng không Vietjet Air để giảm tối đa các rủi ro có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không, ngăn ngừa các sự cố tương tự xảy ra trong khai thác tàu bay.

Cùng đó, Cục Hàng không khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra nguyên nhân xảy ra các sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay trong thời gian qua. Nghiên cứu việc cấp slot cho các chuyến bay nhằm đảm bảo thời gian giãn cách của các chuyến bay, tăng chuyến vào giờ thấp điểm và giảm chuyến giờ cao điểm; xem xét thời gian quay vòng chuyến bay hợp lý (bố trí thời gian để đảm bảo kiểm tra an toàn bay, vệ sinh tàu bay và các thủ tục cần thiết khác cho chuyến bay). 

Đặc biệt, Bộ trưởng Thể yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa cấp phép khai thác tăng chuyến đối với Vietjet Air cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố chuyến bay VJ689 ngày 25/12/2018 (hạ cánh nhầm đường băng sân bay Cam Ranh). Trường hợp đặc biệt có văn bản báo cáo Bộ GTVT xem xét, giải quyết.

Đối với Cty CP Hàng không Vietjet, ông Thể yêu cầu nghiêm túc thực hiện các quy định, quy trình về an toàn khai thác tàu bay; lập kế hoạch bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo dưỡng phù hợp với yêu cầu khai thác; rút kinh nghiệm sâu sắc nguyên nhân gây ra các sự cố, khẩn trương đề ra các biện pháp khắc phục, đảm bảo mục tiêu an toàn chuyến bay là trên hết; không vì mục đích lợi nhuận làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh và chất lượng phục vụ chuyến bay. 

Vietjet phải xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan dẫn đến sự cố nghiêm trọng; điều chỉnh người chịu trách nhiệm khai thác tàu bay của hãng. Sắp xếp, bố trí các tổ bay làm việc theo đúng quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, không để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc.

Đồng thời, Vietjet phải bố trí hợp lý nguồn lực (tàu bay, người lái tàu bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị…) tại các cảng hàng không đảm bảo năng lực phát hiện sớm, khắc phục kịp thời hỏng hóc, sự cố tàu bay; giảm tối đa thời gian tàu bay dừng khai thác do hỏng hóc kỹ thuật cũng như giảm tối đa việc chậm, hủy chuyến trong hoạt động khai thác tàu bay, đặc biệt giai đoạn Tết 2019.

Theo Bộ GTVT, trong thời gian ngắn (Quý IV/2018), VietJet Air đã có 07 sự cố khai thác tàu bay. Trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không. 

Đặc biệt, trong tháng 11 – 12/2018, đã xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng đối với các chuyến bay của Vietjet Air, gồm: chuyến bay VJ356 ngày 29/11, trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột, 2 bánh trước rơi ra khỏi càng; và chuyến bay VJ689 ngày 25/12 đã hạ cánh xuống đường băng chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh.

MỚI - NÓNG