Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. (Ảnh: Reuters) |
Chính quyền quân sự Myanmar đang đối mặt với phong trào nổi dậy trên nhiều mặt trận, khi các nhóm liên minh chống chính quyền được chính phủ trong bóng tối hậu thuẫn đồng loạt tấn công và giành quyền kiểm soát nhiều đồn quân sự và thị trấn, trong đó có một số thị trấn trọng điểm nằm giáp biên giới với Thái Lan.
Đợt nổi dậy này là thách thức lớn nhất mà chính quyền quân sự Myamar phải đối mặt kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021.
“Chính quyền hiện tại đã bắt đầu mất một chút sức mạnh. Dù thế, họ vẫn có quyền lực, họ vẫn có vũ khí. Có thể đây là lúc liên hệ và tiến tới một thỏa thuận với họ”, ông Srettha trả lời phỏng vấn Reuters.
Thái Lan đã có nhiều tiếp xúc với Myanmar từ khi ông Srettha lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái, bao gồm việc vận chuyển hàng nhân đạo theo sáng kiến nhân đạo nhằm mở đường cho đối thoại giữa các phe.
Tháng trước, Quốc hội Thái Lan tổ chức một hội thảo về tình hình chính trị ở Myanmar, với sự tham gia của cả các nhân vật đối lập với quân đội Myanmar, bất chấp sự phản đối của chính quyền quân sự.
Ông Srettha nói rằng Myanmar rất quan trọng với Thái Lan, vì thế ông và các quan chức khác của Thái Lan đã trao đổi với nhiều bên ở Myanmar và các đối tác quốc tế, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.
“Quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi Myanmar đạt được sự thống nhất, hòa bình và thịnh vượng chính là Thái Lan”, ông Threttha nói.
Thủ tướng Thái Lan cho biết sẽ bàn với các bộ trưởng trong nội các, các quan chức quân sự và an ninh trong ngày 9/4 để sắp xếp chính sách của chính phủ đối với Myanmar.
“Tôi sẽ họp với 5-6 người chủ chốt và bảo đảm chúng tôi có cùng quan điểm”, ông cho biết.