Thủ tướng Singapore kêu gọi 'không sợ hãi COVID-19 đến tê liệt'

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Straitstimes
Ảnh: Straitstimes
TPO - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết một trong những việc đầu tiên cần làm để chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch bệnh” là người dân phải thay đổi suy nghĩ, không chủ quan trước COVID-19 nhưng cũng không nên “tê liệt vì sợ hãi”.

Mất 3-6 tháng để đạt “bình thường mới”

Mở đầu bài phát biểu trước toàn dân ngày 9/10, lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh tính đúng đắn của việc chuyển từ chiến lược “zero COVID-19” trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát, sang “sống chung an toàn với dịch bệnh”.

Thủ tướng Lý Hiển Long gọi vắc xin là tấm áo bảo hộ hiệu quả chống lại COVID-19. Ông ca ngợi thành tựu của Singapore trong chiến dịch tiêm chủng, khi gần 85% dân số quốc gia này hiện đã được tiêm đủ liều vắc xin. Nhờ đó, chỉ khoảng 2% số ca mắc COVID-19 ở Singapore trở nặng, và chỉ 0,2% số bệnh nhân tử vong hoặc cần được chăm sóc đặc biệt. Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Singapore đã tăng lên tới khoảng 3.000 ca/ngày, nhưng hầu hết đều là các ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

“Để bắt đầu học cách chung sống với virus, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ của mình. Chúng ta phải dè chừng COVID-19, nhưng không nên tê liệt vì sợ hãi. Nhờ tiêm phòng, COVID-19 đã trở thành một căn bệnh nhẹ, có thể điều trị được với hầu hết mọi người" - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

“Để bắt đầu học cách chung sống với virus, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ của mình. Chúng ta phải dè chừng COVID-19, nhưng không nên tê liệt vì sợ hãi. Nhờ tiêm phòng, COVID-19 đã trở thành một căn bệnh nhẹ, có thể điều trị được với hầu hết mọi người. Mối đe doạ từ COVID-19 hiện tập trung chủ yếu ở những người cao tuổi. Đối với 98% dân số, nếu chúng ta mắc COVID-19, chúng ta có thể tự phục hồi tại nhà giống như bệnh cúm. Đó là cơ sở để chúng ta chuyển sang giai đoạn tập trung điều trị tại nhà, giải phóng giường bệnh cho những người có nguy cơ trở nặng”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.

Ông Lý cho biết Singapore đang đạt được những tiến bộ ổn định trên con đường tiến tới “bình thường mới”. Mặc dù hệ thống y tế có thể sẽ phải chịu áp lực trong vài tuần tới, khi số ca mắc mới hằng ngày tiếp tục tăng lên, nhưng con số này sẽ nhanh chóng giảm xuống. Singapore sẽ đạt đến “bình thường mới” sau khoảng ba đến sáu tháng tới, ông Lý nhận định, khi phần lớn các lệnh hạn chế được dỡ bỏ, số ca mắc mới giảm xuống còn khoảng vài trăm ca mỗi ngày và không tăng trở lại.

Để đảm bảo quá trình mở cửa diễn ra an toàn, Bộ Y tế Singapore mới đây cho biết người dân nước này sẽ được phát bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) để tự kiểm tra tại nhà. Bắt đầu từ ngày 22/10, mỗi hộ gia đình ở Singapore sẽ nhận được 10 bộ xét nghiệm qua đường bưu điện.

Các lệnh hạn chế cũng sẽ được thắt chặt đối với nhóm đối tượng chưa tiêm vắc xin, để bảo vệ những người này và giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế. Từ ngày 13/10 tới, chỉ những người đã tiêm đủ liều vắc xin mới có thể đến trung tâm mua sắm và các điểm tham quan, dùng bữa tại nhà hàng và quán cà phê theo nhóm hai người. Trong khi đó, những người chưa được tiêm phòng chỉ có thể mua đồ ăn mang về.

Kết nối với thế giới

Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh cùng với việc mở cửa trong nước, Singapore cần kết nối trở lại với thế giới và mở lại biên giới một cách an toàn để “kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu và duy trì vị thế quốc gia”.

Theo quy định mới, từ ngày 19/10, những người đã được tiêm đủ liều vắc xin từ tám quốc gia bao gồm Anh, Pháp, Canada, Đan Mạch, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ có thể nhập cảnh Singapore mà không cần cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Từ ngày 15/11, quy định này sẽ tiếp tục được áp dụng đối với những người đến từ Hàn Quốc.

Tương tự Singapore, Malaysia sẽ nối lại hệ thống vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế từ ngày 11/10 sau khi 90% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19. Những người chưa tiêm phòng đầy đủ vẫn không được phép đi lại giữa các tiểu bang. Trong khi những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ có thể xuất cảnh mà không còn bị giới hạn bởi quy định “chỉ xuất cảnh với mục đích thực sự cần thiết”. Lệnh cách ly bắt buộc vẫn sẽ có hiệu lực đối với bất cứ ai nhập cảnh Malaysia.

Quy định mới được đưa ra sau khi Malaysia thử nghiệm thành công “bong bóng du lịch” hồi giữa tháng 9. Với chương trình này, những khách du lịch nội địa đã tiêm phòng có thể đến đảo Langkawi của Malaysia để nghỉ dưỡng. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất một ca bệnh được phát hiện trong số các du khách đến Langkawi.

Sau Malaysia, Ấn Độ sẽ bắt đầu mở cửa đón khách trở lại từ giữa tháng 10 sau hơn một năm đóng cửa biên giới vì COVID-19. Cụ thể, thị thực du lịch sẽ được cấp cho du khách nước ngoài đến Ấn Độ trên các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10, và trên các chuyến bay khác từ ngày 15/11.

Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 nhập cảnh từ 33 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và hầu hết các quốc gia châu Âu.

Việc ngày càng có nhiều quốc gia mở lại các đường bay quốc tế đã đặt ra câu hỏi về các loại vắc xin được công nhận đối với những người nhập cảnh. Từ tháng 11, Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 nhập cảnh từ 33 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và hầu hết các quốc gia châu Âu. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden chấp thuận những loại vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép, vì không phải quốc gia nào cũng sử dụng vắc xin Mỹ.

Trong thông báo mới nhất, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp nhận những người nhập cảnh đã tiêm các loại vắc xin được phê duyệt bởi cơ quan quản lý Mỹ hoặc WHO, bao gồm vắc xin của Moderna, Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson, AstraZeneca/Oxford (cả phiên bản của Viện Huyết thanh Ấn Độ và của Hàn Quốc), Sinopharm, Sinovac.

Mỹ sẽ tiếp nhận những người nhập cảnh đã tiêm các loại vắc xin được phê duyệt bởi cơ quan quản lý Mỹ hoặc WHO, bao gồm vắc xin của Moderna, Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson, AstraZeneca/Oxford (cả phiên bản của Viện Huyết thanh Ấn Độ và của Hàn Quốc), Sinopharm, Sinovac.

Theo Straitstimes, Reuters
MỚI - NÓNG