Phát ngôn viên của Taliban Shaheen ngày 9/10 cho biết phong trào này sẽ không hợp tác với Mỹ trong việc ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - tổ chức khủng bố đang trỗi dậy ở Afghanistan.
“Chúng tôi có thể đối phó với IS một cách độc lập”, ông Shaheen nói.
IS đã nhận trách nhiệm về một số vụ tấn công khủng bố gần đây ở Afghanistan, bao gồm vụ đánh bom liều chết ngày 8/10 ở thành phố Kunduz khiến 46 người Hồi giáo dòng Shiite thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Kể từ khi nổi lên ở miền Đông Afghanistan vào năm 2014, IS - gồm các chiến binh Hồi giáo dòng Sunni - đã nhiều lần đe doạ cộng đồng người Shiite thiểu số. Đây cũng là nhóm khủng bố gây ra mối đe doạ lớn nhất cho Washington vì có khả năng tấn công các mục tiêu của Mỹ.
Cuộc gặp tại Doha ngày 9 và 10/10 là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên kể từ sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban tiếp quản đất nước. Trong cuộc gặp, phía Taliban đã yêu cầu Washington dỡ bỏ lệnh phong toả đối với khối tài sản dự trữ của Afghanistan ở Mỹ, theo hãng tin Al-Jazeera. Tuy nhiên, thông tin này chưa được Washington xác nhận.
Theo nguồn tin của Reuters, phái đoàn Washington muốn thúc ép Taliban tiếp tục đảm bảo việc sơ tán an toàn của những người muốn rời khỏi Afghanistan, cũng như thả tự do cho các công dân Mỹ bị bắt cóc.
Phía Mỹ cũng yêu cầu Taliban cam kết không để Afghanistan một lần nữa trở thành “hang ổ” của al-Qaeda hoặc các nhóm khủng bố cực đoan khác.
Một quan chức Mỹ cho biết: “Cuộc gặp lần này không phải để công nhận chính phủ lâm thời do Taliban lập ra, hay trao cho họ bất cứ quyền hợp pháp nào.” Taliban hứa sẽ thay đổi so với thời kỳ nhóm này lãnh đạo Afghanistan từ năm 1996 đến 2001. Tuy nhiên, Mỹ đã nhiều lần khẳng định sẽ đánh giá Taliban thông qua hành động thực tế thay vì lời nói suông.