140 nghìn trẻ em Mỹ mất người chăm sóc vì COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Nơi tưởng niệm những người đã chết vì COVID-19 ở công viên Sunset Park, Brooklyn
Nơi tưởng niệm những người đã chết vì COVID-19 ở công viên Sunset Park, Brooklyn
TP - Trong khi Mỹ đang đấu tranh chống lại đại dịch Covid-19, một nghiên cứu mới cho thấy một “đại dịch” tiềm ẩn khác đang hoành hành đằng sau những cánh cửa đóng kín, nhắm đến những đứa trẻ đã mất gia đình trong giai đoạn khó khăn này.

Một nghiên cứu mới, được công bố hôm thứ Năm (7/10), ước tính rằng từ tháng 4 năm 2020 đến ngày 30/6 năm nay, hơn 140,000 trẻ em dưới 18 tuổi đã mất mẹ, cha hoặc ông bà, những người đã cung cấp nhà ở, các nhu cầu cơ bản và chăm sóc hàng ngày cho chúng.

Theo bà Nora Volkow, Giám đốc Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (Nida), đồng tài trợ cho cuộc nghiên cứu, COVID không chỉ giết người lớn từ các cộng đồng da màu một cách không cân xứng, mà trẻ em từ những cộng đồng này đang phải gánh chịu hậu quả của một “đại dịch ẩn” khác.

Mặc dù người thuộc các nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số chiếm 39% dân số Hoa Kỳ, nghiên cứu cho thấy tới 65% trẻ em mất người chăm sóc chính là người thiểu số gốc Tây Ban Nha, người da màu, châu Á và người thổ dân da đỏ. 35% còn lại là người da trắng. “Cái chết của người giám hộ là một mất mát to lớn và có khả năng định hình lại cuộc đời một đứa trẻ”, bà Volkow cho biết. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, nhu cầu của những đứa trẻ này hầu như đã bị bỏ qua.

Nghiên cứu là công trình hợp tác giữa Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Đại học Hoàng gia London, Đại học Harvard, Đại học Oxford và Đại học Cape Town. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về tỷ lệ tử vong, khả năng sinh sản và điều tra dân số để ước tính số lượng trẻ em trở thành mồ côi do COVID. “Ghi nhận những mất mát mà những đứa trẻ này đã trải qua - và tiếp tục trải qua - phải là một trong những ưu tiên hàng đầu, và nó phải được đan xen vào mọi khía cạnh của dịch vụ ứng phó khẩn cấp của chúng ta, cả trong hiện tại và sau này, khi đại dịch kết thúc”, bà Susan Hillis, một nhà nghiên cứu của CDC và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Bà Volkow cho biết, trẻ em trở thành mồ côi hoặc gặp các biến cố khác khi còn nhỏ có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý về thể chất và tinh thần, thậm chí có thể dẫn đến tự tử. Các em cũng có nguy cơ cao tìm đến ma túy, bỏ học, tham gia băng đảng hoặc thực hiện các hành vi nguy hiểm khác.

Các tác giả nghiên cứu nói rằng Mỹ phải nhanh chóng đưa việc chăm sóc trẻ em vào chiến lược phản hồi COVID của đất nước, bằng cách tạo ra một kế hoạch hiệu quả để bảo vệ các em, hỗ trợ các gia đình và giải quyết những bất bình đẳng trong dịch vụ sức khỏe. Kế hoạch này phải ưu tiên giữ trẻ em được ở cùng gia đình của chúng. Nếu điều đó là không thể, bà Volkow cho biết, thì phải có sự giám sát cẩn thận của gia đình nuôi để đứa trẻ không bị bỏ rơi và lạm dụng. “Nếu không, những đứa trẻ này sẽ không có cơ hội”, bà nói.

“Khi một đứa trẻ không thể sống với cha mẹ đẻ, đưa chúng tới một người họ hàng hầu như luôn luôn là ưu tiên”, bà Tyreasa Washington, Giám đốc khu vực chương trình phúc lợi trẻ em Child Trends cho biết. Theo bà, việc bố trí gia đình, hay còn gọi là sự chăm sóc từ họ hàng, mang lại sự ổn định và ít gây tổn thương hơn cho đứa trẻ so với việc đặt đứa trẻ với cha mẹ nuôi không phải họ hàng.

Theo nih.gov, ngày 7/10/2021
MỚI - NÓNG