Dịch COVID-19 chưa có điểm dừng, 4 nguy cơ lây nhiễm ở Việt Nam
Theo Bộ Y tế, tính đến 9h ngày 02/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
- Tính từ 18h ngày 01/10 đến 9h ngày 02/10: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Như vậy, đến hôm nay Việt Nam cũng đã trải qua 30 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã qua 45 ngày Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.013, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 271
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.967
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 4.775
Chia sẻ bên lề Hội nghị trực tuyến Bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh diễn ra tại Hà Nội chiều 1/10, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc và tử vong tăng cao. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, số ca mắc mỗi ngày có thể lên đến vài chục ngàn ca.
“Dịch COVID-19 chưa thấy điểm dừng, chưa đạt đỉnh. Một tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng. Tuy nhiên chúng ta vẫn đang có các ca dương tính với SARS-CoV-2 là người về Việt Nam. Nếu không tổ chức quyết liệt các biện pháp cách ly, theo dõi thì chúng ta sẽ thất bại trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 mà chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Y tế vấn đề an toàn bệnh viện hết sức quan trọng. Nếu để dịch COIVD-19 xảy ra tại bệnh viện sẽ khiến bệnh viện tê liệt hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh như bài học tại Đà Nẵng vừa qua.
Đối tượng tổn thương là những người yếu thế, bệnh nặng, bệnh nền, tuổi cao đang nằm viện, tỷ lệ tử vong tăng lên sẽ rất nhanh. Vì thế, trách nhiệm của lãnh đạo các bệnh viện từ trung ương đến địa phương là rà soát lại tất cả cac quy trình từ lúc tiếp nhận, phát hiện, cách ly những trường hợp nghi ngờ, thường xuyên xét nghiệm các ca nghi ngờ, xét nghiệm cho nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với đối tượng nghi ngờ...
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho rằng còn 4 nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở nước ta. Đó là đối tượng nhập cảnh trái phép, đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh. Trong đó, nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.
Thời gian tới tiếp tục ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới. Cần thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép. Các đơn vị lưu ý quản lý, giám sát đối tượng nhập cảnh hợp pháp, trong bối cảnh chúng ta mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến viện phải cài đặt, bật ứng dụng truy vết COVID-19
Đây là nội dung đáng chú ý trong Chỉ thị số 21/CT-BYT vừa ban hành về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế sáng 2/10 cho hay, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành Chỉ thị số 21 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ thị nêu rõ: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Triển khai tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn; cập nhật thường xuyên việc thực hiện bệnh viện an toàn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.
Thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo quy định; xét nghiệm bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện triệu chứng của bệnh, xét nghiệm bệnh nhân nặng, bệnh nhân nằm ở các khoa Cấp cứu, Thận nhân tạo, Hồi sức tích cực, Hô hấp...; xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa này, tránh việc lây nhiễm từ nhân viên y tế cho người bệnh.
Tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; có hình thức phân luồng ưu tiên đối người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa.
Thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân tại bệnh viện và các biện pháp đảm bảo an toàn cho các đối tượng có nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người khuyết tật... Hạn chế người nhà đến thăm, chăm sóc người bệnh; trường hợp cần thiết thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cá nhân theo quy định của Bộ Y tế.
Tổ chức tập huấn chuyên môn về phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân viên y tế, đặc biệt trong việc tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh, dự phòng lây nhiễm đối với nhân viên y tế và tại cơ sở y tế, kỹ thuật sử dụng máy thở.
Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, đáp ứng với tình huống dịch bệnh. Chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản cho tình huống xấu; tổ chức diễn tập cho các tình huống.
Triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng ngày việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các khoa, phòng và toàn bộ bệnh viện; đồng thời có phương án xử lý, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân không tuân thủ.
263 bệnh viện chỉ 'an toàn ở mức thấp' trong phòng chống COVID-19
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đã công bố kết quả triển khai thực hiện Bộ tiêu chí BV an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Theo đó tính đến ngày 30/9, cả nước đã có 1.380 cơ sở y tế đã tiến hành tự đánh giá bộ tiêu chí an toàn phòng chống COVID-19 tại cơ sở thông qua phần mềm trực tuyến.
Tuy nhiên, vẫn còn 150 BV, trung tâm y tế chưa tiến hành tự đánh giá hoặc đã đánh giá nhưng không nhập số liệu. Trong số những cơ sở đã tự tiến hành đánh giá, có 1.089 cơ sở xếp loại BV an toàn (chiếm 79%), BV an toàn ở mức thấp là 263 cơ sở (chiếm hơn 19%), BV không an toàn 28 cơ sở, chiếm 2% chủ yếu là BV tư nhân. Tại Hà Nội, qua kiểm tra cơ quan chức năng đã yêu cầu 3 BV tư nhân phải đóng cửa tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Có 5 Sở Y tế kiểm tra nhiều BV nhất về các tiêu chí an toàn trong phòng chống COVID-19 là TP.HCM, Thái Bình, Cà Mau, Hà Nội và Thừa Thiên Huế.
11 Sở Y tế kiểm tra ít BV nhất là Quảng Bình, Lâm Đồng, Hưng Yên, Bắc Giang, An Giang, Bình Dương, Quảng Nam, Đồng Nai, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, trong quá trình triển khai phòng chống COVID-19, nhiều cơ sở chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch, chưa chi tiết phân ca làm việc luân phiên, hệ thống biển báo còn thiếu, nhiều bệnh viện sử dụng bàn lấy mẫu, bàn khai báo thông tin bằng vật liệu khó làm vệ sinh bề mặt...