Chiều 23/10, đại diện VKSND TP Hà Nội tiến hành đối đáp với các luật sư khi tranh luận trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Cty Viễn thông Mobifone.
Theo kiểm sát viên, năm 2015, 14 bị cáo trong vụ đã quyết định việc để Mobifone mua 95% cổ phần của Cty CP nghe nhìn toàn cầu AVG gây thiệt hại 6.590 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã Nguyễn Bắc Son – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn – nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT (thời điểm phạm tội là Thứ trưởng) 200 nghìn USD, Lê Nam Trà – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Mobifone 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải – nguyên Tổng GĐ Mobifone 500 nghìn USD.
Bào chữa cho Nguyễn Bắc Son, các luật sư nêu quan điểm ông Son không giữ vai trò cầm đầu trong vụ án, điều tra có vi phạm tố tụng khi giữ lại bức thư bị cáo gửi vợ; bị cáo này không xứng đáng nhận án tử hình như đề nghị của kiểm sát viên giữ quyền công tố...
Bị cáo Nguyễn Bắc Son từng viết thư cho vợ từ trại tạm giam T16 Bộ Công an.
Tiến hành tranh luận, đại diện VKSND đối đáp, do hậu quả vụ án trên 1.000 tỷ đồng nên việc truy tố các bị cáo về tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công” theo Khoản 3, Điều 220 BLHS là đúng, các ý kiến cho rằng chỉ cần truy tố theo Khoản 1 Điều 220 không có cơ sở.
Cũng theo kiểm sát viên, các luật sư cho rằng bị cáo Nguyễn Bắc Son không có vai trò chủ mưu cầm đầu trong vụ án tuy nhiên, cơ quan truy tố chỉ xác định ông Son giữ vai trò chỉ đạo xuyên suốt vụ án, không hề nói cầm dù trong cáo trạng hay khi luận tội.
“Hôm nay, viện kiểm sát nhận đơn của bị cáo Son khẳng định bản thân đã cầm đầu vụ án, xin nhận trách nhiệm chính vì để xảy ra hậu quả. Vì vậy, viện kiểm sát không tranh luận với các luật sư nội dung này” – kiểm sát viên nói và cho hay, đã đề nghị mức hình phạt tương xứng.
Người giữ quyền công tố tiếp tục: “Có luật sư cho rằng, cơ quan truy tố không đưa bức thư bị cáo Son gửi vợ về gia đình là vi phạm. Chúng tôi khẳng định thư bị cáo Son gửi vợ là bà L. không phải thư tình mà là tài liệu chứng cứ nên phải đưa vào hồ sơ”.
Bức thư này được viết sau khi bị cáo Nguyễn Bắc Son có bản tự khai thể hiện nhận hối lộ 3 triệu USD. Thư có nội dung: “Sau khi mua bán, Phạm Nhật Vũ mang cho anh 3 triệu USD. Số tiền này anh gửi Huyền (Nguyễn Thị Thu Huyền, con gái ông Son – PV) mang vào TP.HCM giữ hộ anh. Anh không nói gì với em và Huyền về nguồn gốc số tiền này. Em nói Huyền thu xếp trả lại cho anh”.
Vẫn theo kiểm sát viên, bà Huyền sau đó bị triệu tập, đối chất với bố trước sự chứng kiến của kiểm sát viên. Khi đó, bà Huyền có ý kiến: “Mẹ tôi ốm nên cơ quan điều tra gửi thư cho tôi đọc, truyền đạt cho mẹ tôi”. Tuy vậy, gia đình ông Son sau đó không khắc phục hậu quả ngay.
Đáng chú ý, kiểm sát viên khẳng định vợ ông Son cũng không muốn trả thay cho chồng số tiền nhận hối lộ. Cụ thể: “Trong các lần làm việc có sự chứng kiến của kiểm sát viên và một số buổi có mặt luật sư, bị cáo Son vẫn giữ ý định trả lại tiền đồng thời mong gặp vợ và con trai để vận động. Cơ quan điều tra đã cho bị cáo gặp vợ con tại trại T16 trước sự chứng kiến của đại diện trại tạm giam T16, kiểm sát viên... và tại đây, bị cáo Son vẫn muốn gia đình trả 3 triệu USD”.
Tuy nhiên, bà L. vợ ông Son nói chỉ có 1 sổ tiết kiệm trị giá 2 tỷ đồng, là tiền không liên quan tới chồng nên gia đình không có trách nhiệm; tiền tiết kiệm sẽ dùng để thuê luật sư cho ông Son.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son còn đề nghị kê biên tài sản nhà đất ở Chương Mỹ (Hà Nội) nhưng cơ quan điều tra cho rằng tài sản này là đất hương hỏa nên không kê biên. “Luật sư nói cơ quan truy tố bưng bít thông tin là không đúng hoặc không đọc kỹ thông tin, làm bất lợi cho thân chủ của mình đang bào chữa và gây hiểu lầm cho dư luận...” – kiểm sát viên nói.