Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu tán thành chủ trương xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông khả thi, thống nhất trong cả nước nhưng mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp đặc điểm lịch sử, văn hoá và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, cũng như điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục.
Một số ý kiến đề nghị xây dựng nhiều chương trình giáo dục phổ thông; một số ý kiến khác đề nghị chỉ xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước. Có ý kiến đề nghị cân nhắc tỷ lệ 20% nội dung “mềm dẻo” là quá nhiều, gây khó khăn cho các địa phương, cơ sở khi thực hiện.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay, chúng ta có một chương trình và một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước. Thực tế cho thấy, việc này tuy có nhiều ưu điểm nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế như nội dung sách giáo khoa chưa phù hợp đối tượng học sinh các vùng, miền và thực tiễn các địa phương, chưa phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên và các nhà trường.
Trên thế giới, hiện nay, một số nước sử dụng nhiều chương trình giáo dục phổ thông khác nhau, nhưng đều là những quốc gia có nhiều bang hoặc vùng lãnh thổ tự trị.
Nhưng xu thế chung của phần lớn các nước, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển, là có một chương trình quốc gia và nhiều sách giáo khoa.
Các trường xây dựng chương trình riêng nhưng vẫn phải tuân thủ chương trình quốc gia. Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ là xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông khả thi, thống nhất trong cả nước nhưng mềm dẻo, linh hoạt.
Chương trình giáo dục phổ thông có phần chung là những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Vì đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, yêu cầu kinh tế - xã hội và điều kiện của các cơ sở giáo dục ở các vùng miền khác nhau của đất nước rất đa dạng, nên cần phải có phần “mềm dẻo” trong chương trình để các địa phương bổ sung những nội dung đặc thù và nhà trường vận dụng phù hợp.
Đồng thời, chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh để bảo đảm tính khả thi. Do đó, tỷ lệ thời lượng để các địa phương và nhà trường vận dụng cần phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế.
Về việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phổ thông, nhiều đại biểu tán thành chủ trương xã hội hóa công tác biên soạn sách giáo khoa và nhất trí Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng trong việc biên soạn sách giáo khoa và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn mà chỉ tổ chức thẩm định sách giáo khoa.
Một số ý kiến đề nghị chú trọng việc xây dựng các quy định về thẩm định nhằm bảo đảm chất lượng sách giáo khoa và quy định việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng tăng cường sự tham gia của giáo viên, học sinh và cộng đồng dân cư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa là công việc khoa học, được thực hiện theo quy trình chặt chẽ và phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt.
Xã hội hóa việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa là định hướng đúng đắn nhưng cần có bước đi thận trọng, vững chắc, tránh những rủi ro có thể ảnh hướng tới quyền lợi của hàng chục triệu học sinh.
Xã hội hóa, nhưng Nhà nước cần phải chịu trách nhiệm, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra. Để chủ động có được chương trình, sách giáo khoa đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu theo lộ trình chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhằm bảo đảm an toàn, cũng như quyền lợi của học sinh và cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai Đề án là đúng chức năng nhiệm vụ của cơ quản lý nhà nước về giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không trực tiếp biên soạn chương trình, sách giáo khoa mà chỉ chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện công tác này. Trên thực tế, chương trình và sách giáo khoa được biên soạn bởi tập thể các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục am hiểu về các lĩnh vực khoa học và khoa học giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cơ quan hữu quan xây dựng cơ chế và giải pháp để huy động tốt nhất đội ngũ làm công tác này.
Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy trình thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải khoa học, công khai, minh bạch, đảm bảo khách quan, công bằng.
Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục được lựa chọn theo quy trình chặt chẽ, được Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua; Hội đồng làm việc độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định.
Chính phủ cần chỉ đạo ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục với sự bàn bạc dân chủ của giáo viên, phụ huynh, học sinh và ngăn ngừa tác động tiêu cực.
Chính phủ cần nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa bảo đảm công bằng, không phân biệt sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn hay do các tổ chức, cá nhân biên soạn.