Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận:

Không có lợi ích nhóm trong việc làm sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Như Ý.
TP - Hôm qua, thảo luận Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, hầu hết đại biểu QH đồng tình chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, một số đại biểu QH vẫn lo ngại tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm nếu Bộ GD&ĐT trực tiếp tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Ba lần hô hào đổi mới vẫn không xong

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, sau 3 lần hô hào đổi mới, thì nền giáo dục vẫn bộc lộ nhiều bất cập, chất lượng giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình, sách giáo khoa (SGK), chưa chú trọng đúng mức rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học, chưa cân đối dạy chữ với dạy người cũng như định hướng nghề nghiệp.

Bà Thủy cho rằng, không nên thay SGK cùng một lúc trong thời gian ngắn mà cần có lộ trình. Bộ GD&ĐT cần xây dựng một chương trình chuẩn mới cho từng cấp học, môn học. Dù Bộ GD&ĐT biên soạn hay tổ chức, cá nhân biên soạn SGK thì đều phải tuân thủ nội dung, chương trình chuẩn, đặt chất lượng lên hàng đầu. Việc thẩm định SGK cần được công khai, khách quan, độc lập. “Việc lựa chọn bộ SGK nào ở các cơ sở giáo dục cần được lựa chọn dân chủ, có sự thống nhất của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tránh sự độc quyền trong thẩm định và sử dụng SGK, phải đặt mục tiêu vì đông đảo học sinh và chất lượng giáo dục lên hàng đầu”, bà Thủy nói và cho rằng, chương trình SGK mới phải dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ học, dễ dạy, dễ điều chỉnh, gây hứng thú cho cả người học, giáo viên và có sự ổn định lâu dài.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, học sinh không phải là “một chiếc bình để đổ đầy mà phải là một bó đuốc cần thắp sáng”, giáo viên không thể chỉ lo đổ đầy kiến thức cho học sinh để đi thi.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng cho rằng, học sinh không phải là “một chiếc bình để đổ đầy mà phải là một bó đuốc cần thắp sáng”, giáo viên không thể chỉ lo đổ đầy kiến thức cho học sinh để đi thi, do vậy đổi mới chương trình, SGK là cần thiết để “không cướp đi tuổi thơ tươi vui của thế hệ trẻ”. Tuy nhiên, bà Thúy cho rằng, giáo dục đào tạo là lĩnh vực rất cần nhìn xa trông rộng. “Nếu không đủ cơ sở để bàn bạc kỹ sẽ rơi vào tình trạng duy ý chí, thiếu tính khả thi và 5, 10 năm sau chúng ta lại trở lại từ đầu”, bà Thúy nói. Ngoài ra, theo đại biểu này, nếu không cải thiện được tình trạng 50, 60 học sinh/lớp ở thành phố và tình trạng trường lớp xập xệ ở vùng sâu vùng xa thì khó có thể nói đến thành công của chương trình, SGK mới. 

Nghi ngại tính minh bạch

Theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK sẽ tạo ra nghi ngại về tính minh bạch. Đồng tình nhận định này, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, cách giải trình của Chính phủ về chủ trương Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để đảm bảo triển khai chương trình mới là chưa thuyết phục. Cách làm này sẽ mâu thuẫn với chủ trương xã hội hóa mà chính đề án đề ra. “Nếu chỉ có một bộ SGK của Bộ tổ chức biên soạn để kịp tiến độ triển khai chương trình mới trong một điều kiện không có đối chứng, không có cạnh tranh, không có sự lựa chọn thứ hai thì dư luận băn khoăn về chất lượng biên soạn và tính khách quan trong quá trình thẩm định phê duyệt là hoàn toàn có cơ sở”, ông Diệu nói.

“Một số ý kiến cho rằng, không nên để Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách vì không công bằng, vì nhóm này dùng tiền của Nhà nước, nhóm khác không có. Chúng ta cần phải cân nhắc vấn đề này nhưng tính toán theo hướng là để tất cả các nhóm biên soạn SGK có điều kiện thuận lợi tương đương trong hoạt động chuyên môn, đều có trách nhiệm như nhau bao gồm cả trách nhiệm về pháp lý và đạo đức khi sử dụng tiền của nhân dân, tiền ngân sách”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Chủ động đăng ký phát biểu ngay từ đầu phiên thảo luận, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, thực tiễn của các lần làm sách trước đây cho thấy lực lượng tham gia biên soạn chương trình, SGK không nhiều do yêu cầu rất cao về mặt khoa học. Thời gian tập trung cho việc viết sách rất dài, nhiều người cũng không có điều kiện tham gia. Việc đãi ngộ cho người viết SGK và chương trình cũng chưa thỏa đáng.

“Lần này, theo dự báo của chúng tôi, lực lượng làm SGK còn ít hơn do chúng ta làm sách theo cách mới, theo cách tiếp cận phát triển năng lực chứ không làm như những lần trước đây là truyền thụ kiến thức cho học sinh. Chúng tôi dự báo 2 khả năng có thể xảy ra. Khả năng thứ nhất là với cơ chế xã hội hóa, sẽ giải phóng được sức sản xuất của xã hội. Nhiều nhóm, tập thể sẽ biên soạn. Sách biên soạn ra sẽ tốt, đa dạng, giúp cơ sở giáo dục lựa chọn được sách phù hợp nhất để sử dụng. Khả năng thứ hai, chưa có nhiều người sẵn sàng tham gia viết sách, sách viết ra không đáp ứng yêu cầu, không kịp thời gian và có thể có những mảng sách không ai viết cả”, ông Luận nói và lo ngại, với kinh nghiệm lịch sử của những lần làm sách trước thì khả năng thứ hai cũng rất có thể xảy ra.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, phương án Chính phủ đề xuất giao Bộ GD&ĐT chủ động biên soạn một bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn các bộ sách khác, là để Chính phủ chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra.

“Theo chúng tôi, tính toán này là thận trọng và cần thiết. Trong khi mô hình mới chưa xuất hiện, mới chỉ có trong tính toán của chúng ta, thì nên chăng loại bỏ ngay mô hình đã có, đã được kiểm nghiệm và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao?”, ông Luận phân tích thêm.

Trước lo ngại của một số đại biểu về tính minh bạch, độc quyền khi Bộ GD&ĐT cũng tham gia viết sách, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cam kết: “Ở đây tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, bởi phương án xã hội hóa SGK chính là do Bộ GD&ĐT đề xuất, Chính phủ thảo luận quyết định và trình QH. Ngoài ra, trong lịch sử, Bộ GD&ĐT chưa từng tổ chức trực tiếp viết SGK và sẽ không trực tiếp làm việc này.

Ngoài ra, “Việc thẩm định sách do một hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, chuyên gia am hiểu lĩnh vực này nhưng không tham gia vào việc viết sách... Đây là hội đồng độc lập, không phải hội đồng gồm đội ngũ cán bộ của Bộ để thẩm định bộ SGK do Bộ viết ra. Hội đồng hoạt động theo quy chế riêng, đảm bảo tính khách quan và độc lập. Bộ GD&ĐT căn cứ vào quyết định của hội đồng quốc gia này để cho phép lưu hành những bộ SGK đạt tiêu chuẩn, yêu cầu”, ông Luận khẳng định.

MỚI - NÓNG