Đổi mới sách giáo khoa: Lo nhà sản xuất “đi đêm”

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận (phải).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận (phải).
TP - Ngày 11/11, thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) sau năm 2015, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình việc Bộ GD&ĐT vẫn tham gia biên soạn SGK dẫn đến “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Một số ý kiến cũng lo ngại nếu có nhiều bộ sách sẽ dẫn đến chuyện nhà sản xuất “đi đêm” để các trường chọn lựa SGK do mình làm ra.

Không khéo loạn chữ

Theo ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), hiện có tình trạng trẻ em phải học quá nhiều, không còn thời gian vui chơi, tập thể thao. “Tôi xem và thấy có thể lược bỏ 1/2 chương trình bậc tiểu học và THCS hiện nay. Với học sinh bé nên để nhiều thời gian vui chơi hơn, thế nhưng hiện nay rất ít trường để ý tới việc xây dựng sân chơi rèn luyện ý thức sức khỏe, cộng đồng”, bà An nói.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cũng phàn nàn là nhiều sách, nhiều chương trình quá và không khéo đến lúc loạn chữ.

Chia sẻ những ý kiến phản ánh của các đại biểu về CT- SGK, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, những lần viết CT-SGK trước đều theo hướng: thầy truyền đạt kiến thức cho trò, trò tiếp nhận và học thuộc để thi trở lại. Có nghĩa những điều thầy nói ra là chân lý, học trò chỉ công nhận, viết càng đầy đủ đúng lời thầy, giống với sách thì điểm càng cao. Nếu viết không đúng như điều thầy nói và sách thì điểm thấp.

“Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang cách viết sách khác, trong đó chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Và hiện chúng tôi đang tập huấn cho rất nhiều thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục để làm quen, tiếp cận với những bộ sách trên thế giới để sau này làm sao SGK phải phát triển năng lực của học sinh”, ông Luận cho biết.

Lo “đi đêm” chia phần trăm

Đề cập việc Bộ GD&ĐT vẫn tham gia biên soạn SGK là không phù hợp, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cho rằng, bộ chỉ nên tập trung công tác quản lí nhà nước, xây dựng chiến lược giáo dục, ban hành văn bản, kiểm tra xử lí, chứ bộ cũng tham gia viết sách sẽ dẫn đến “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

“Bộ mà tham gia vào thì tổ chức cá nhân nào dám tham gia nữa. Hơn nữa, bộ soạn thảo thì đời nào bộ lại đi đánh giá bộ sách của mình yếu. Bộ soạn ra thì sớm hay muộn các phòng giáo dục cũng phải dùng, làm gì còn cạnh tranh”, ông Thiện lo ngại.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, đề án trên rồi cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”. “Tôi băn khoăn chúng ta có nhiều bộ sách rồi làm sao công bằng, bảo đảm vì lợi ích của học sinh. Bởi có nhà xuất bản biến thái chia hoa hồng để đưa sách vào khiến giáo dục bị biến tướng thương mại hóa”, bà Lan cảnh báo.

Chia sẻ những lo lắng trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, vấn đề quan trọng là làm sao xây dựng được quy chế để việc lựa chọn SGK diễn ra công bằng, khách quan, tránh tình trạng các nhà xuất bản tác động, chia phần trăm cho các trường chọn bộ sách này, bộ sách kia.

“Các bộ sách khi đã được phép lưu hành đều là tốt, nhưng có thể nó không phù hợp với địa phương nên cái này cần phải có quy chế chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tiêu cực”, ông Luận cho biết.

Theo ông Luận, việc thẩm định SGK không phải bộ thẩm định mà sẽ do Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia… do nhiều tổ chức, đơn vị giới thiệu. Căn cứ vào kết quả thẩm định và các văn bản khác Bộ sẽ quyết định để bộ SGK đó được lưu hành hợp pháp. Còn việc chọn bộ sách nào là phụ thuộc vào vùng, miền và các địa phương nên không có chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN và NĐ Trịnh Ngọc Thạch: Không để một chương trình 20 sách tham khảo

Hiện nay chúng ta đang sử dụng 1 bộ SGK do Bộ GD&ĐT phát hành, không có bộ sách nào khác. Tới đây hướng thay đổi là một chương trình chuẩn, ngoài nội dung cứng giống nhau, sẽ có phần mềm để các địa phương, vùng miền đưa kiến thức địa phương vào cho phù hợp với tình hình, sẽ có chương trình của Tây Nguyên, Tây Bắc. Chúng ta sẽ có nhiều SGK chứ không chỉ nhiều bộ SGK.

Các tổ chức xã hội, cá nhân có quyền viết thêm những cuốn sách khác. Từ đó, gia đình, cá nhân, nhà trường chọn sách nào phù hợp, chứ không phải áp đặt. Các ý kiến nói trên lưng các em sách nặng rồi giờ không cần nhiều sách nữa là không đúng.

Nguyên nhân chính khiến cặp sách các em nặng là vừa qua một cuốn sách nhưng có tới 20 cuốn sách tham khảo, ai thích viết thì viết, nhà xuất bản nào xuất bản cũng được.

Hà Nhân (ghi)

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.