Bộ trưởng Luận: Không có lợi ích nhóm trong làm sách giáo khoa

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết việc biên soạn sách giáo khoa là công việc khó khăn. Ảnh Minh Thanh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết việc biên soạn sách giáo khoa là công việc khó khăn. Ảnh Minh Thanh.
“Ở đây tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nào cả. Phương án xã hội hóa sách giáo khoa chính là do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, Chính phủ thảo luận quyết định và trình lên Quốc hội”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Hôm nay 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã giải thích những vấn liên quan đến đề án mà nhiều đại biểu còn băn khoăn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, các nước có nền giáo dục phát triển họ làm rất chuyên nghiệp, do các chuyên viên nghiên cứu chương trình, SGK hoạch định. Còn ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có chuyên gia chuyên nghiệp làm SGK. Cách làm hiện nay ở Việt Nam là huy động các giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia biên soạn chương trình, SGK.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD-ĐT đã cử cán bộ đi học chương trình phát triển SGK để đến khi đủ điều kiện sẽ báo cáo Chính phủ cho thành lập viện nghiên cứu SGK.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận việc biên soạn chương trình SGK là công việc rất khó khăn, tỉ mỉ. Thực tiễn lần làm sách trước đây cho thấy lực lượng tham gia vào việc biên soạn SGK không nhiều. Lý do dẫn đến tình trạng đó là yêu cầu viết sách rất cao về mặt khoa học, thời gian tập trung viết SGK rất dài, trong khi đó chế độ đãi ngộ cho những người tham gia viết SGK lại chưa thỏa đáng.

Lần này, Bộ GD-ĐT đưa ra dự báo lực lượng tham gia vào viết SGK còn ít hơn vì cách làm sách mới theo hướng cách tiếp cận phát triển năng lực chứ không làm như trước. “Khả năng dự báo, với cơ chế xã hội hóa thì sẽ có nhiều đơn vị tham gia viết SGK để đơn vị giảng dạy lựa chọn sách phù hợp nhất sử dụng. Ngược lại cũng có thể chưa có nhiều đơn vị sẵn sàng tham gia viết sách, sách viết ra không đáp ứng được yêu cầu. Cũng có thể có những mảng sách không có đơn vị nào ra tham gia viết. Chúng tôi rất mong muốn khả năng một nhưng kinh nghiệp cho thấy khả năng thứ hai rất dễ xảy ra”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Về phương án Chính phủ đề xuất giao cho Bộ GD-ĐT chủ động biên soạn bộ sách, đồng thời khuyến khích việc biên soạn các bộ sách khác, Bộ trưởng Luận giải thích là để chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tính toán thận trọng là cần thiết. Trong khi mô hình mới chưa xuất hiện, mới chỉ có trong tính toán thì có nên loại bỏ ngay mô hình đã có, đã được kiểm nghiệm và đã hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ giao.

“Ở đây tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nào cả. Phương án xã hội hóa SGK chính là do Bộ GD-ĐT đề xuất và Chính phủ thảo luận quyết định và trình lên Quốc hội”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định.

Trước ý kiến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách, thẩm định sách, có dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, thực tế Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao giờ tự viết SGK và cũng sẽ không trực tiếp viết SGK.

Việc viết SGK, biên tập chương trình là do các nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia tham gia vào việc này. Còn Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện, lựa chọn nhân sự, tập huấn bổ sung thông tin cần thiết cho việc viết sách. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quá trình viết sách và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho nhóm viết sách.

Còn việc thẩm định sách là do một hội đồng bao gồm các nhà giáo, các nhà khoa học, chuyên gia (không liên quan đến việc viết sách) am hiểu lĩnh vực này do nhiều cơ quan giới thiệu. Đây là một hội đồng độc lập, không phải hội đồng gồm những cán bộ của Bộ GD-ĐT thẩm định sách do Bộ viết. Hội đồng này sẽ hoạt động theo quy chế riêng và có tiêu chuẩn cho những ai tham gia vào hội đồng. Còn Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ kết luận của hội đồng thẩm định để cho phép lưu hành bộ sách đạt yêu cầu.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, con số kinh phí báo cáo Quốc hội là kinh phí để viết SGK chứ không phải kinh phí cấp cho Bộ GD-ĐT biên soạn SGK.

Trước một số ý kiến cho rằng không nên để Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn sách vì không công bằng. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải cân nhắc vấn đề này để các nhóm viết sách có điều kiện tương đương trong hoạt động chuyên môn. Bộ trưởng cho biết, có nhiều cách để đảm bảo sự công bằng bằng các giải pháp kỹ thuật, không để thành phần nhà nước tham gia vào.

Về tính khả thi của đề án, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đây cũng là vấn đề được cân nhắc rất nhiều ở Chính phủ... Cơ sở vật chất đã được bổ sung và cải thiện tuy nhiên còn nhiều bất cập ở vùng sâu, hải đảo. Để đổi mới căn bản Chính phủ không chỉ có đề án này mà còn có 18 đề án liên quan trong đó có cơ sở vật chất trang thiết bị, đề án đổi mới các trường sư phạm... nhưng giới hạn báo cáo Quốc hội chỉ có đề án chương trình, SGK.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ngay từ đầu Bộ GD-ĐT đã quán triệt khi xây dựng đề án để trình Trung ương nội dung đổi mới SGK. Cụ thể, sẽ cập nhật tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học các nước phát triển và phù hợp với điều kiện hiện tại của phần lớn các trường ở Việt Nam... “Chúng tôi đã thực nghiệm từ 2011, ở nhiều trường lớp trong đó có nhiều vùng khó khăn. Thầy cô khi mới tiếp cận thì còn e dè nhưng sau đó rất dễ tiếp đón”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Theo Quang Phong
Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG