Thời khắc sống còn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thị trường bất động sản những ngày này đang sống trong tâm trạng phấp phỏng, có hay không Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, bộ ngành tung ra cơ chế giải cứu?

Hôm qua ( 8/2), cuộc họp quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến sự “sống còn, sinh tồn” của thị trường bất động sản năm 2023 đã diễn ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trước sự điều hành lãnh đạo NHNN, đại diện Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và sự có mặt của vài chục tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại cùng các doanh nghiệp bất động sản vốn tên tuổi lẫy lừng trên cả nước).

Cuộc họp được mở màn bằng lời khẳng định chắc nịch khi Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn đi nhấn lại rằng: NHNN chưa bao giờ siết tín dụng bất động sản, mà chỉ đảm bảo điều hành hỗ trợ phát triển thị trường theo đúng định hướng. Điểm lại dư nợ lĩnh vực BĐS đã lên đến “đỉnh điểm” với con số 2,85 triệu tỷ đồng cho vay, chủ yếu tập trung phân khúc nhà ở thương mại đến thời điểm 31/12/2022, lãnh đạo NHNN nói thêm rằng, thời gian qua, tín dụng hệ thống ngân hàng dành cho BĐS và nền kinh tế luôn có những ưu tiên nhất định.

Thời khắc sống còn ảnh 1

Tác giả

Vậy, vấn đề của thị trường BĐS là gì mà doanh nghệp phải “kêu khóc” đến vậy? Tại Hội nghị này, tựu chung ý kiến như sau: đại diện Vinhomes đề xuất xin NHNN xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì duy trì tỷ lệ tài sản bảo đảm như các khoản vay thông thường. Đại điện SunGoup khẳng khái muốn có cơ chế chính sách riêng cho bất động sản du lịch, nhất là tỷ trọng cho vay tín dụng). Hưng Thịnh Land tha thiết mong NHNN nới room, giảm lãi suất cho vay để phát triển cả condotel.

Cũng tại diễn đàn này, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM ông Lê Hoàng Châu mở lời “gan ruột”: năm 2023 là năm quyết định “sống, còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Ông Châu lưu ý: nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Lãnh đạo NHNN cuối cùng đưa ra thông điệp rất rõ ràng: sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp cung ứng vốn cho lĩnh vực BĐS, để đảm bảo thị trường này được phát triển lành mạnh. Bật đèn xanh” sẽ xem xét cơ chế đề xuất cho phù hợp, nhưng NHNN cũng không quên nhắc các NHTM cần tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn.

Theo các chuyên gia, đến thời điểm này, tín dụng cho vay BĐS đã lên tới ngưỡng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều dự án, tài sản đảm bảo không còn giữ được giá trị như khi làm dự án mà “hao hụt”, bốc hơi một cách đáng kể (do cách tính, định giá tài sản đảm bảo của chính các NHTM và chủ đầu tư quá cao so với giá trị thực). Hệ luỵ của sự tê liệt thị trường BĐS hôm nay , cũng được các nhà phân tích chỉ ra điểm “cốt tử” đến từ tham vọng phát triển quá nhanh của nhiều doanh nghiệp BĐS.

Dù BĐS thực sự đóng góp cho nền kinh tế, “tạo phép màu”, biến những vùng đất hoang hoá tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nay thành các khu đô thị hiện đại sang trọng, trung tâm thương mại sầm uất nhưng hệ luỵ của tăng trưởng nóng, thần tốc mà các doanh nghiệp BĐS đang để lại vẫn là “thổi phồng” giá trị dự án nhanh. Từ đó dẫn đến hậu quả vay nợ lớn, hình thành “bong bóng” BĐS, buộc ngân hàng phải “ngắt van” tín dụng.

Nói như giới BĐS đang kêu cứu thì đây là thời khắc sinh tử quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, của dự án. Rõ là đến lúc này ngân hàng, nền kinh tế hay các bộ, ngành không thể ngó lơ bỏ mặc. Nhưng cứu thế nào, tháo gỡ cơ chế, hay mở van tín dụng dành gói ưu đãi, e không đơn phương một ai dám quyết. Câu trả lời, chắc phải đợi thêm, thậm chí chờ những quyết sách từ Chính phủ (?!)

MỚI - NÓNG