Thỏa thuận an ninh Quần đảo Solomon-Trung Quốc gây tranh cãi

TP - Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare hôm qua nói những phản ứng dữ dội về việc nước này đàm phán thoả thuận an ninh với Trung Quốc là “rất xúc phạm”.

Phát biểu của ông Sogavare được đưa ra sau khi văn bản thỏa thuận an ninh giữa Solomon và Trung Quốc bị đưa lên mạng, dẫn đến nhiều chỉ trích. Ngày 29/3, ông Sogavare phát biểu trước Quốc hội Quần đảo Solomon rằng văn bản thỏa thuận an ninh với Trung Quốc bị rò rỉ chỉ là bản thảo, và ông sẽ không nói cụ thể về nội dung thỏa thuận. “Chúng ta không gặp phải sức ép từ những người bạn mới và không có ý định nào về việc đề nghị xây căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon”, Reuters dẫn phát biểu của ông Sogavare.

Quần đảo Solomon chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2019 để chuyển sang Bắc Kinh. Úc, New Zealand và Mỹ đều bày tỏ quan ngại sau khi văn bản bị rò rỉ cho thấy Quần đảo Solomon sẽ tiếp nhận các tàu hải quân Trung Quốc. Ngày 28/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói đó là “nguy cơ quân sự hóa khu vực”. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton nói Canberra sẽ rất lo ngại nếu thỏa thuận dẫn đến việc hình thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, ngay gần Úc và New Zealand.

Trong bài phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Sogavare chỉ trích các nước lớn mà ông cho là không quan tâm nếu những đảo quốc Thái Bình Dương bị ngập dưới nước vì biến đổi khí hậu, và coi vùng này là “sân sau của các cường quốc phương Tây”. Ông cũng bác bỏ cáo buộc của phe đối lập rằng thỏa thuận an ninh với Trung Quốc sẽ dẫn đến một chính phủ chuyên quyền.

Thỏa thuận an ninh Quần đảo Solomon-Trung Quốc gây tranh cãi ảnh 1

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare Ảnh: Reuters

Sau khi báo chí đưa tin ông Sogavare muốn hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2023, Toàn quyền Quần đảo Solomon David Vunagi nói trước quốc hội hôm 28/3 rằng chỉ có thể trì hoãn bầu cử nếu thay đổi hiến pháp, và thay đổi hiến pháp cần được quốc hội phê chuẩn.

Một đợt biểu tình chống chính phủ Quần đảo Solomon xảy ra vào tháng 11 năm ngoái, khiến 4 người chết và gây ra nhiều thiệt hại về tài sản. Khi đó, Úc ngay lập tức đưa lực lượng cảnh sát đến hỗ trợ ông Sogavare khôi phục trật tự theo một thỏa thuận an ninh song phương từ năm 2017. New Zealand, Fiji và Papua New Guinea cũng điều cảnh sát tới.

Trong đợt bạo loạn năm ngoái, ông Sogavare nói rằng khu người Hoa đã bị đốt hết và các cơ sở hạ tầng phục vụ Đại hội thể thao Thái Bình Dương 2023 cũng bị đe dọa. Ông cho rằng những công trình hạ tầng được tặng cho Quần đảo Solomon cần được bảo vệ, ngụ ý nói đến 7 sân vận động mà Trung Quốc xây dựng ở đây sau khi đảo quốc này chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Theo văn bản thỏa thuận an ninh bị rò rỉ, thỏa thuận an ninh sẽ bao gồm việc cảnh sát vũ trang và quân đội của Trung Quốc đến bảo vệ các dự án của Trung Quốc. Ông Sogavare bác bỏ ý kiến cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh với khu vực. Ông khẳng định Quần đảo Solomon sẽ không chọn phe, và thỏa thuận an ninh với Úc sẽ vẫn còn đó. Ông cho biết đã gửi thư cho Thủ tướng Úc Scott Morrison về vấn đề này và giải thích quan điểm của Quần đảo Solomon đối với Diễn đàn đảo quốc Thái Bình Dương - một tổ chức hợp tác chính sách kinh tế và chính trị của khu vực.

MỚI - NÓNG