Khi ấy, để đến Syria, Nga có thể sẽ phải sử dụng tuyến đường hàng hải qua eo biển Gibrantar của Tây Ban Nha (mất 13 ngày nếu xuất phát từ St Peterburg hoặc 14 ngày rưỡi nếu xuất phát từ cảng Murmansk) thay vì 4 ngày nếu qua eo biển Bosphorus. Hoặc sẽ phải chuyển sang việc sử dụng hoàn toàn đường hàng không ít hiệu quả hơn nhiều.
Trong những tháng gần đây, khí tài quân sự của Nga chuyên chở tới Syria chủ yếu là theo đường biển. Con đường ngắn nhất là qua Biển Đen và qua eo biển Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tuyến đường này, các tàu đổ bộ của Nga chuyên chở binh sĩ và vũ khí từ Crimea đến Syria.
Quy chế về việc tàu bè qua eo biển Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ được quy định trong Công ước Montreux 1936, một trong những thỏa thuận quốc tế lâu đời nhất mà nay vẫn còn hiệu lực. Theo điều 2 của bản Công ước được cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký kết này, các tàu thương mại được phép tự do đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles cả ngày lẫn đêm, bất kể thuộc nước nào và chở loại hàng gì.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ trong tình trạng chiến tranh, nước này vẫn phải cho phép các tàu dân sự của các nước thân hữu và trung lập đi qua, nhưng chỉ vào ban đêm và chỉ theo lộ trình do Thổ Nhĩ Kỳ quy định. Và cuối cùng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tuy không trong tình trạng chiến tranh nhưng “tự coi mình bị nguy cơ quân sự đe doạ” thì nước này vẫn phải cho phép mọi tàu bè đi qua (kể cả tàu bè của những nước có thể trở thành nước thù địch với Thổ) nhưng chỉ vào ban ngày và tất nhiên, chỉ theo lộ trình được quy định.
Đối với các tàu quân sự trong thời bình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải cho phép các loại tàu cỡ nhỏ và cỡ trung bình của tất cả các nước đi qua. Riêng các cường quốc biển (trong đó có Liên Xô trước đây và Nga hiện nay) được phép đưa tàu quân sự mọi cỡ đi qua. Hạn chế duy nhất là những chiếc tàu đó phải đi một mình hoặc có số tàu hộ tống không quá 2 chiếc.
Nếu Thổ trong tình trạng chiến tranh hoặc “bị nguy cơ quân sự đe doạ”, vấn đề cho phép tàu quân sự đi qua vẫn được Ankara xem xét. Tuy nhiên, nếu không có lời tuyên chiến chính thức, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải cho phép tàu nước ngoài đi qua nhưng với điều kiện những chiếc tàu đó đã cắt đứt liên hệ với căn cứ hải quân của mình. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải được các tổ chức hàng hải quốc tế ( thuộc Liên Hiệp Quốc) đồng ý với ý định đóng cửa các eo biển nói trên.
Như vậy, đứng trên góc độ luật pháp quốc tế thì trong tình hình hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền gây trở ngại cho các tàu Nga đi qua, kể cả những tàu chuyên chở hàng quân sự.
Theo điều 2 của bản Công ước được cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký kết, các tàu thương mại được phép tự do đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles cả ngày lẫn đêm, bất kể thuộc nước nào và chở loại hàng gì.