> Thơ nội, thơ ngoại cùng cất tiếng
Nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ hát thơ tại Liên hoan Thơ châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: T.Toan. |
Sau cuốn “Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19” sang tiếng Ba Lan, ông sắp ra mắt bản dịch “Thơ Mới” 1931-1942?
Lựa chọn chuyển ngữ Thơ Mới là sự tiếp nối tuyển thơ cổ điển. Hiện tôi dịch được hơn 200 bài, có lẽ cũng không nên tham số lượng quá.
Ông có tiêu chí nào lựa chọn tác giả, tác phẩm?
Tôi chọn một số tác giả, rồi đến tác phẩm và các tác phẩm tiêu biểu, lấy cuốn Thi nhân Việt Nam làm sườn, và tuyển thêm nhiều bài thơ khác cho phong phú, minh họa đủ phong cách của cả giai đoạn. Những bài lựa chọn trong này cốt để độc giả nắm được cả tinh hoa của Thơ Mới. Mở đầu tập thơ là Tản Đà, kết thúc là nhà thơ Vân Đài, bên trong có hầu hết gương mặt tiêu biểu: Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Bích Khê...?
Tập thơ trước ông dịch cùng nhà thơ Ba Lan Pawel Kubiak, còn lần này?
Ban đầu, tự tôi dịch sang tiếng Ba Lan, chủ yếu là dịch ý. Vốn là dân khoa học tự nhiên, nên những phần ngôn ngữ thơ, tu từ học tiếng Ba Lan phải nhờ đến hai nhà thơ Ba Lan am hiểu văn hóa phương Đông nhuận sắc-Pawel Kubiak và Mateusz Pienigzek.
Sau đó, những bài thơ này đăng trên các tờ báo, tạp chí văn chương ở Ba Lan để nhận góp ý của các nhà phê bình, hoặc phản hồi của bạn đọc. Nhiều ý hay, cách diễn đạt chuẩn xác hơn cũng nảy sinh từ đây.
Ông có gặp khúc mắc khi chuyển ngữ?
Có chút dễ hơn so với dịch thơ cổ điển ở chỗ, tôi đồng cảm hơn với các nhà thơ vì không phải qua tiếng Hán. Nhưng lại gặp khó ở chỗ gam độ biểu cảm của các nhà Thơ Mới khó truyền tải hơn, không cô đọng như thơ chữ Hán. Dịch Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thế Lữ?rất hứng thú.
Thơ Hàn Mặc Tử cũng vậy, nhưng đôi chỗ khó. Những hình ảnh: Áo em trắng quá nhìn không ra, hay Lá trúc che ngang mặt chữ điền...phải tìm cách chuyển tải được ý thơ tương đương sang tiếng Ba Lan.
Có được tập sách đẹp đáng mừng rồi, còn kế hoạch quảng bá Thơ Mới với bạn đọc Ba Lan thì sao thưa ông?
Ba Lan quy định sách mới in phải gửi 12 thư viện quốc gia, một số tỉnh thành lớn và một số trường đại học lớn. Tôi mang sách gửi thêm một số thư viện ở viện an dưỡng, nhiều thư viện họ cũng đặt mua, hoặc gửi tiền sách theo tinh thần ủng hộ thêm.
Ở Ba Lan còn có điều thuận lợi khác, khi tôi tham gia các buổi đọc thơ có thể mang sách đến đặt ở bàn, có người bán thơ hộ. Đôi khi đến các trường học vùng nông thôn, hoặc giao lưu đối tượng khuyết tật có thể giảm giá sách cho độc giả.
Chúng ta giới thiệu văn học ở Ba Lan cũng là một cách tốt để quảng bá: Ba Lan chỉ có 38 triệu dân, nhưng có đến 4 Nobel văn chương, trong đó có đến 2 nhà thơ; nền văn học của họ cũng có ảnh hưởng nhất định trên thế giới.
Nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ sinh 1944 tại Nghệ An, là tiến sĩ Vật lí Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, hội viên Hội Nhà văn Ba Lan và Việt Nam, hiện sinh sống và làm việc tại Warszawa (Ba Lan). Ngày 18-2, ông giới thiệu tập thơ mới nhất Chiều rơi trên sóng, song ngữ Việt- Anh. Ông được một số giải thưởng: Thơ hay về mùa thu do Hội Nhà văn Ba Lan tặng năm 2004; Giải thưởng nhân Những ngày thơ Quốc tế do UNESCO tại Ba Lan tổ chức năm 2006, hai giải Nhất cuộc thi Marathon Thơ năm 2008. Hai Cành Ô liu lớn về thơ và dịch thơ tại Liên hoan Văn học Quốc tế Galicja Ba Lan năm 2009, 2011. |