Thiết chế văn hóa, thể thao: Loay hoay vì thuế cao

TPO - Trong phiên thảo luận tại Hội thảo Văn hóa 2024, các đại biểu chia sẻ khó khăn chung của các thiết chế văn hóa, thể thao. Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam 10 năm nay không thu hút được nhà đầu tư, Khu liên hợp Thể thao quốc gia "gánh" nhiều loại thuế. 

Trong sáng 12/5, nhiều đại biểu tham gia Hội thảo Văn hóa 2024 thảo luận xoay quanh nhiều vấn đề nóng trong chính sách, nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

NSND Xuân Bắc: Khai thác cho thuê mặt bằng giúp người lao động thêm nguồn thu

Từ năm 2022, Nhà hát Kịch Việt Nam được phê duyệt đề án khai thác mặt bằng, theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - trước nay do mặt tiền của Nhà hát khá hẹp, khó cho thuê, việc khai thác chỉ dừng lại ở mức độ đấu giá.

Việc đề án khai thác được phê duyệt, đem đến tin vui cho người lao động ở Nhà hát Kịch Việt Nam, bởi họ sẽ có thêm nguồn thu, phúc lợi, thêm động lực làm việc.

“Nếu không sớm cải thiện vấn đề này, nhà hát khó thu hút lao động bình thường chưa nói đến thu hút nhân tài vì lương quá ít ỏi”, NSND Xuân Bắc nói.

Thiết chế văn hóa, thể thao: Loay hoay vì thuế cao ảnh 1

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc phân tích về khai thác thiết chế văn hóa.

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng gặp khó khăn chung về vấn đề nguồn nhân lực với các đơn vị sự nghiệp khác.

Để đảm bảo biên chế hai đoàn diễn, Nhà hát Kịch Việt Nam cần khoảng 108-110 người, nhưng hàng năm bị cắt bớt, nay chỉ còn 63, 64 người, gộp hai đoàn mới đủ tiêu chuẩn để biểu diễn.

NSND Xuân Bắc cũng đề cập vấn đề ngân sách bị cắt giảm dẫn đến khó thu hút nguồn lực lao động với cơ chế tiền lương như hiện nay.

Vấn đề đau đầu của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm hoạt động văn hóa tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, 10 năm qua, đơn vị này chưa thu hút được dự án đầu tư nào.

Ông Trịnh Ngọc Chung - quyền Trưởng ban (BQL Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam) cho biết Làng Văn hóa được xác định quy hoạch với 7 khu chức năng, trong đó có 2 khu đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, 5 khu thu hút đầu tư ngoài Nhà nước.

Thiết chế văn hóa, thể thao: Loay hoay vì thuế cao ảnh 2
Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam khó thu hút đầu tư.

Nhiều năm nay Làng Văn hóa không thu hút được nhà đầu tư tư nhân nào do vướng mắc về thẩm quyền.

“Quy định về thẩm quyền của Làng văn hóa có trong Quyết định 319 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành năm 2014. Theo đó Trưởng BQL Làng Văn hóa được phép phê duyệt quy hoạch, cho thuê đất, cấp chứng nhận đầu tư… Tuy nhiên, sau này Luật Đất đai, Luật Xây dựng bổ sung, sửa đổi không cập nhật nội dung này”, ông Chung nói.

Với các dự án thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa, nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi nào dù nguồn lực đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm.

Giám đốc Khu liên hợp Thể thao quốc gia: Doanh nghiệp chỉ dám đầu tư cầm chừng

Ông Nguyễn Trọng Hổ - Giám đốc Khu liên hợp Thể thao quốc gia - cho biết Khu liên hợp Thể thao quốc gia là một trong những đơn vị tự chủ sớm. Từ năm 2014, đơn vị này đã tự chủ từ tổ chức cho đến tài chính.

Theo đề án được phê duyệt, Khu liên hợp Thể thao quốc gia được khai thác các tài sản dôi dư nhưng đây là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị, quốc tế lớn, vì vậy khi nào nhà nước cần phải trả lại nguyên trạng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông: Khuyến khích phát triển bảo tàng tư nhân

Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định Bộ VHTTDL luôn nhận thức tầm quan trọng của phát triển bảo tàng tư nhân. Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi có nhiều bổ sung liên quan đến hệ thống này, theo hướng cắt giảm thủ tục đăng ký, tiêu chí thành lập bảo tàng tư nhân, giảm nhẹ tiêu chí về bộ sưu tập, quy mô, nhân sự để khuyến khích bảo tàng tư nhân phát triển.

Điều này gây ra khó khăn rất lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và họ chỉ dám đầu tư cầm chừng.

Ông cũng đề cập khó khăn lớn đối với Khu liên hợp Thể thao quốc gia là nhiều loại thuế.

“Ngoài thuế sử dụng đất, chúng tôi cần nộp thuế giá trị gia tăng...

Bên cạnh đó, liệu có thể cho thuê các mặt bằng trong khu liên hiệp hay không, điều này nghị định 151 chưa nêu rõ ràng”, ông Nguyễn Trọng Hổ nêu.

Điện ảnh cũng kêu khó vì thuế cao

Bà Ngô Thị Bích Hạnh (BHD) khẳng định điện ảnh đang là điểm mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về nguồn vốn.

"Nhiều thương hiệu rạp chiếu của người Việt, quản lý tại Việt Nam phải bán cổ phần để duy trì hoạt động. Nguồn lực cho thiết chế văn hóa về điện ảnh phần lớn đến là nước ngoài và tư nhân. Mức thuế giá trị gia tăng được áp dụng cho các rạp chiếu phim còn cao”, bà Ngô Thị Bích Hạnh nêu.

Thiết chế văn hóa, thể thao: Loay hoay vì thuế cao ảnh 3

Bà Ngô Thị Bích Hạnh (Tổng Giám đốc công ty THHH BHD) nêu khó khăn về thuế.

Tiền thuê đất tăng, các rạp chiếu phim tư nhân phải thuê các mặt bằng tại các trung tâm thương mại với giá cao. Bà Ngô Thị Bích Hạnh đề xuất giảm tiền thuế và tiền điện cho những doanh nghiệp thuộc ngành văn hóa, đồng thời đề xuất kéo dài thời hạn vay vốn.

Anh Nguyễn Minh Triết (Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam): Phát triển thiết chế văn hóa phục vụ thiếu nhi

Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam khóa XI - nhấn mạnh thiết chế văn hóa Đoàn, Đội điển hình là trung tâm thiếu nhi là các thiết chế quan trọng.

Anh Nguyễn Minh Triết đánh giá cao chức năng, nhiệm vụ của các công trình này, ví đây như xương sống của tổ chức Đoàn, Đội.

Thiết chế văn hóa, thể thao: Loay hoay vì thuế cao ảnh 4
Các đại biểu trong phiên thảo luận bàn tròn.

Với các thiết chế đang được triển khai, anh Nguyễn Minh Triết bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành sẽ sắp xếp, tạo điều kiện, dành sự quan tâm hơn nữa để thiếu nhi có thiết chế văn hóa riêng.

Với thiếu nhi do đặc thù lứa tuổi, sở thích, tâm sinh lý, dễ bị ảnh hưởng khi các trung tâm thiếu nhi phải sáp nhập với thiết chế khác. Trong việc phát triển thêm thiết chế mới, cần cơ chế phối hợp, đa dạng hóa loại hình, thích hợp với từng vùng miền.

Ví dụ, thiếu nhi ở nông thôn cần địa điểm phát triển kỹ năng, phong trào, còn thiết chế ở thành thị dù đã có nhưng bị cạnh tranh bởi các thiết chế văn hóa có nội dung nước ngoài.

Quảng Ninh thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - khẳng định bên cạnh các thiết chế văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư và quản lý, các thiết chế do các doanh nghiệp, tư nhân Quảng Ninh xây dựng ngày càng nhiều đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, thủ tục, hồ sơ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư.

Từ năm 2016 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

“Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà Nguyễn Thị Hạnh nói.

Tin liên quan