Chuyện về tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia của họa sĩ Tô Ngọc Vân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhân kỷ niệm 70 năm ngày họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức giao lưu lấy chủ đề "Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân". Các diễn giả kể nhiều câu chuyện về phong cách hội họa và nhân cách họa sĩ Tô Ngọc Vân

Một đời tài hoa, giản dị

Nhiều kỷ niệm, câu chuyện thú vị về họa sĩ Tô Ngọc Vân và các tác phẩm của ông được kể trong buổi giao lưu sáng 11/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Giao lưu lấy chủ đề Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vânđược tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ngày ông hy sinh và 80 năm ra đời tác phẩm Hai thiếu nữ và em bé.

Chuyện về tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia của họa sĩ Tô Ngọc Vân ảnh 1Chuyện về tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia của họa sĩ Tô Ngọc Vân ảnh 2

Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân được kể lại.

Các diễn giả khái quát tiểu sử và hành trình sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân, từ khi nhen nhóm tài năng hội họa đến khi tham gia kháng chiến.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh cả cuộc đời họa sĩ Tô Ngọc Vân sống tài hoa, trung thực và giản dị. Tác phẩm của ông đã vươn tới cái đẹp đích thực của hội họa, đưa ông trở thành một trong tứ danh họa tài ba của nền mỹ thuật nước nhà.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân là người có công đầu tiên sử dụng chất liệu sơn dầu vào các tác phẩm hội họa ở Việt Nam.

“Tâm hồn tinh khiết của ông được giữ trọn vẹn cho đến khi ông nằm xuống. Bút pháp sơn dầu Tô Ngọc Vân để lại cho Việt Nam nhiều giá trị, mang đậm nét Việt, hồn Việt với thứ nguyên liệu rất châu Âu”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Chuyện về tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia của họa sĩ Tô Ngọc Vân ảnh 3
Họa sĩ Ngọc Linh là học trò của danh họa Tô Ngọc Vân.

Tác phẩm được ghi danh bảo vật quốc gia

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện lưu giữ một tác phẩm có giá trị xuyên thế kỷ của danh họa Tô Ngọc Vân, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Đó là kiệt tác tranh sơn dầu Hai thiếu nữ và em bé, sáng tác năm 1944, khi ông đang là giảng viên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, tác phẩm là hiện vật nguyên gốc và độc bản, được đánh giá cao, mang đậm giá trị về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa, đánh dấu giai đoạn mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Đây là hiện chứng cho dòng chảy mỹ thuật đang hiện diện tại bảo tàng.

Chuyện về tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia của họa sĩ Tô Ngọc Vân ảnh 4

Tranh Hai thiếu nữ và em bé khắc họa một góc cuộc sống tại phố thị Hà Nội vào những năm 1940.

“Họa sĩ đã mang vào đó toàn bộ xúc cảm khi vẽ. Những đường cong, nét bút với những gam màu rất êm đềm mà không kém nổi bật. Thần thái thể hiện đặc sắc, mang đậm dấu ấn riêng trong bút pháp sơn dầu Tô Ngọc Vân”, bà Yến nói.

Từ thời điểm toàn quốc kháng chiến năm 1946, ông vẽ tác phẩm Hà Nội vùng đứng lên mô tả thiếu nữ với tà áo dài tung bay, nói lên quyết tâm chiến đấu giành độc lập của người Hà Nội.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Tô Ngọc Vân có cách vẽ vừa nhanh vừa thận trọng dù ông vẽ chì, bút sắt, than, hay màu nước.

Chuyện về tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia của họa sĩ Tô Ngọc Vân ảnh 5Chuyện về tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia của họa sĩ Tô Ngọc Vân ảnh 6
Hai tác phẩm Chuẩn bị đi chợ (trái) và May áo, đều được vẽ năm 1954.

Họa sĩ Ngọc Linh - học trò của cố danh họa - ngậm ngùi: “Balo thầy lúc nào cũng nhiều đồ. Thầy luôn sẵn sàng vẽ, vẽ ra cái đẹp từ những thứ giản dị. Thầy có rất nhiều đóng góp, là nguồn cảm hứng cho bao thế hệ học trò”.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân được lệnh đi Điện Biên Phủ vào tháng 4/1954 để vẽ ký họa về mặt trận, mô tả cuộc sống của binh lính và nhân dân Tây Bắc. Ngày 17/6/1954, ông hy sinh trong một vụ đánh bom tại cây số 14 Bà Khẽ, đèo Lũng Lô khi đang thực hiện nhiệm vụ ký họa trực tiếp.

Chuyện về tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia của họa sĩ Tô Ngọc Vân ảnh 7
Một số bạn trẻ chiêm ngưỡng các tác phẩm của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Chiếc cặp vẽ mà ông mang theo bên mình đi chiến dịch có nhiều ký họa dọc đường, trong đó có bức ký họa chì Đèo Lũng Lô được vẽ ngày 15/6/1954. Đó có thể là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.

Buổi giao lưu diễn ra trong ba giờ đồng hồ, thu hút sự quan tâm và chia sẻ từ những người yêu mến nghệ thuật. Con gái cố họa sĩ cũng góp mặt.

Tô Ngọc Vân (1906-1954) là họa sĩ tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996) do Chủ tịch Nước truy tặng,…

MỚI - NÓNG
Chân dung tướng Hoàng Kiền
Bảo tàng Đồng quê của tướng công binh
TP - Thiếu tướng Hoàng Kiền khởi công xây Bảo tàng Đồng quê năm 2012 với tất cả kinh nghiệm của một tư lệnh công binh từng đi xây dựng Trường Sa ở cái giai đoạn mà “Trường Sa trông chả khác gì Mặt trăng”. Qua 12 năm hoạt động, bảo tàng độc nhất vô nhị này đã trở thành một điểm đến được chính dân Nam Định nhiệt liệt đề cử khi có khách tới thăm.