Thích 'giáo dục'

Thích 'giáo dục'
TP - Ở mọi lúc mọi nơi hầu như mọi người có chức vụ lớn nhỏ nào đó đều mạnh dạn hùng hồn và long trọng đề cập “công tác giáo dục”  nhằm làm “chuyển biến nhận thức xã hội”...

Phiên tòa xử tội buôn bán ma túy, một vị quan tòa thẩm vấn: “Bị cáo là người có học, lẽ ra phải biết làm ăn lương thiện để xây dựng hạnh phúc gia đình góp phần xây dựng xã hội nhưng bị cáo lại đi buôn bán ma túy, bị cáo có thấy hành vi của mình là tội ác, gây hậu quả khủng khiếp cho xã hội và cho chính gia đình bị cáo hay không?”.

Sau phiên xử, tôi hỏi vị quan tòa: “Khi đã rõ chứng cứ của tội trạng thì vấn đề bị cáo cũng như những người có mặt quan tâm là mức án, sao còn phải hỏi dài dòng?”. Vị thẩm phán giải thích: “Để giáo dục xã hội”.

Một bài báo viết về một công chức tham ô có đoạn: “Lẽ ra ông được tin cậy giao trọng trách thì phải vì dân vì nước đằng này ông đã lợi dụng sự tin cậy ấy, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thu vén cá nhân nhằm vinh thân phì gia”. Tôi hỏi tác giả, báo chí là thông tin, đưa chứng cứ để làm rõ sự việc, sao lại viết dưới dạng giả định “lẽ ra…”. Tác giả hồn nhiên: “Để giáo dục”.

Có thể kể vô thiên lủng những ví dụ tương tự. Ở mọi lúc mọi nơi hầu như mọi người có chức vụ lớn nhỏ nào đó đều mạnh dạn hùng hồn và long trọng đề cập “công tác giáo dục”  nhằm làm “chuyển biến nhận thức xã hội”.

Từ thiết lập trật tự giao thông để giảm tai nạn, chống ma túy, chống uống rượu hút thuốc, bảo vệ môi trường đến sinh đẻ có kế hoạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng cuộc sống văn hóa, làm đường giao thông và đưa trẻ đến trường; từ các đoàn thể quần chúng đến các cấp chính quyền, từ các cơ quan tư pháp đến các cơ quan dân cử đề ra việc gì cũng nêu biện pháp hàng đầu là “giáo dục làm chuyển biến nhận thức xã hội”. Tức là giáo dục cho toàn xã hội, toàn dân biết mà làm.

Hiển nhiên các quá trình phát triển là quá trình thay đổi nhận thức, từ bỏ tư duy lạc hậu vươn tới tư duy tiên tiến, phải coi trọng công tác giáo dục. Song giáo dục cao nhất là tự giáo dục cũng như cốt lõi của việc học tập là tự học.

Việc xã hội do toàn xã hội làm nhưng quản lý chuyên ngành có trách nhiệm làm trước để hướng dẫn xã hội làm theo như anh cảnh sát giao thông phải gương mẫu chấp hành Luật Giao thông để duy trì trật tự giao thông cho toàn xã hội, anh kiểm sát viên phải thông tỏ và tự giác chấp hành pháp luật mới giám sát được cơ quan tư pháp.

Khi mọi ngành, mọi cơ quan, mọi người quá chú trọng hô hào “giáo dục xã hội” thì chưa coi trọng đúng mức “tự giáo dục bản thân”, việc gì cũng quá đề cao trách nhiệm của toàn xã hội thì ít thấy trách nhiệm cụ thể của tập thể nhỏ và cá nhân.

Kết quả là nhiều người nói mà ít người làm, xã hội có nhiều phong trào chung chung mà thiếu tính chuyên nghiệp, nhận thức có tăng nhưng hành vi không đổi.

MỚI - NÓNG