Thị trường phục hồi chậm, vì sao hàng không Việt vẫn bay quốc tế?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cục Hàng không và các hãng hàng không đều chung nhận định, khách quốc tế đi/đến Việt Nam bằng đường hàng không tuy có tăng, nhưng không đạt kỳ vọng đặt ra. Đặc biệt, một số thị trường khách lớn như Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Ma-Cau (Trung Quốc), Hàn Quốc phục hồi rất chậm.

Số liệu từ Cục Hàng không - Bộ Giao thông vận tải cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, thị trường khách quốc tế qua đường hàng không đạt hơn 14,7 triệu lượt, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2022, nhưng chỉ bằng 73% so cùng kỳ 2019. Riêng các tháng 5, 6 khách quốc tế bằng gần 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện có 52 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ, gồm: Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi kết nối với Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt.

Thị trường phục hồi chậm, vì sao hàng không Việt vẫn bay quốc tế? ảnh 1

Khách quốc tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng, các hãng hàng không vẫn phải cố bay để giữ slot cho mùa bay năm sau.

Một số thị trường ghi nhận tăng trưởng khách cao hơn 10-30% so với năm 2019 (trước dịch COVID-19), như Thái Lan, Indonesia, Úc. Thị trường Nhật Bản đạt xấp xỉ cùng kỳ 2019. Một số thị trường khác cũng ghi nhận phục hồi tốt, như Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu. Đặc biệt, nửa đầu năm ghi nhận sự phát triển tốt của thị trường mới là Ấn Độ, thị trường các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác tối đa 28 chuyến bay/tuần được cấp.

Tuy nhiên, một số thị trường khách lớn như Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Ma-Cau - Trung Quốc, Hàn Quốc phục hồi chậm hơn mức chung và chậm hơn kỳ vọng.

Trước thực tế thị trường khách quốc tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng, đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho biết, các hãng hàng không đang khó khăn, khi số chuyến bay tăng nhưng số khách không tăng, nên hệ số sử dụng ghế giảm. Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực Đông Bắc Á đang thấp, khi một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn duy trì chính sách khuyến khích du lịch trong nước.

Theo đại diện Vietjet, có chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam tỷ lệ lấp đầy ghế chỉ đạt 40%. Thông thường, cao điểm hè kéo dài tới nửa cuối tháng 8, nhưng tới giữa tháng 7 năm nay khách đã giảm. Dù khách giảm, nhưng các hãng vẫn phải duy trì chuyến bay để giữ slot (giờ hạ/cất cánh) lịch sử cho các mùa bay tiếp theo. Do đó, đại diện hãng này đề xuất điều chỉnh quy định để hỗ trợ các hãng khai thác linh hoạt, hiệu quả.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, các hãng hàng không đang cố bay để giữ slot cho lịch bay mùa hè năm sau, nên không quan tâm đến hệ số sử dụng ghế. Nếu tính số chuyến bay, ngành hàng không cơ bản đã phục hồi hết, đặc biệt trên các đường bay đi/đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TPHCM). Tuy nhiên, về lượng khách, hệ số sử dụng ghế bình quân trên các đường bay quốc tế chỉ khoảng 68%, thấp hơn hơn 10% so với 2019.

Cụ thể, tính đến tháng 7 này, khách Trung Quốc mới bằng 10% so với năm 2019, khách Nhật Bản bằng 54%. Khả quan nhất là khách Ấn Độ tăng gần gấp đôi, khách Úc và Mỹ tăng hơn 10% so với năm 2019.

Với thị trường nội địa, theo thống kê của Cục Hàng không, nửa đầu năm lượng khách đi hàng không đạt 20 triệu lượt, giảm 3,4% so với cùng kỳ trước nhưng tăng 8% so cùng kỳ 2019.

Theo đại diện Vietnam Airlines, cao điểm hè năm nay, dù lượng khách nội địa tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng giá vé máy bay bình quân cũng giảm 14%. Nguyên nhân do cung vượt cầu, khi thị trường quốc tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng nên các hãng tăng khai thác nội địa, cùng đó là giá nhiên liệu vẫn duy trì mức cao (bình quân trên 100 USD/thùng), tỷ giá biến động mạnh…

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Hàng không vừa diễn ra, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, sẽ nỗ lực đàm phán với các nước để giữ slot cho các hãng hàng không Việt Nam ở sân bay nước ngoài, đàm phán mở đường bay mới, đặc biệt với khôi phục thị trường Trung Quốc…

Trong thông cáo phát đi ngày 24/7, hãng hàng không Bamboo Airways cho biết dự kiến điều chỉnh lịch và tần suất khai thác một số đường bay kể từ tháng 8/2023 để thực hiện tái cơ cấu đội bay. Dù tái cơ cấu đội máy bay, hãng vẫn duy trì khai thác các máy bay thân rộng (B787), máy bay thân hẹp (A320/321) và phản lực khu vực Embraer.

Bên cạnh phương án khai thác mới, Bamboo Airways cũng tăng chính sách để đảm bảo tối ưu, hài hoà lợi ích chính đáng của các bên. Lịch bay mới và các chính sách cập nhật sẽ được hãng thông tin trực tiếp và cụ thể đến các đối tác và hành khách trong thời gian tới.

Những sự điều chỉnh tạm thời trên là một phần trong tiến trình tái cơ cấu tổng thể mà Bamboo Airways. Bamboo Airways xin gửi lời cáo lỗi tới hành khách có chuyến bay bị ảnh hưởng, cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để đảm bảo quyền lợi của hành khách theo quy định.

MỚI - NÓNG