Cả 5 thành viên Hội đồng quản trị Bamboo Airways đã gửi đơn xin từ nhiệm và sẽ được xem xét tại đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng này. Bên cạnh đó, hết năm 2022, hãng lỗ luỹ kế hơn 19.300 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 830 tỷ đồng. Động thái này của Hội đồng quản trị Bamboo Airways liệu có ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và an toàn bay?
Sáng 15/6, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị Bamboo Airways là động thái bình thường, diễn ra khi thay đổi chủ sở hữu hãng.
Bamboo Airways tiếp tục biến động nhân sự trong quá trình chuyển đổi chủ sở hữu. |
Sau khi đổi chủ sở hữu, trường hợp Bamboo Airways thay đổi người đại diện theo pháp luật, sẽ phải báo cáo Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải để thay đổi giấy phép kinh doanh.
Cùng đó, có 4 vị trí tại doanh nghiệp vận tải hàng không khi thay đổi buộc phải báo cáo Cục Hàng không chấp thuận mới được thực hiện, gồm: Người chịu trách nhiệm an toàn bay; người chịu trách nhiệm kỹ thuật máy bay; người chịu trách nhiệm khai thác máy bay; người chịu trách nhiệm về đào tạo của hãng.
“Cục chỉ quản lý người giữ các vị trí quan trọng liên quan công tác an toàn bay, còn chủ sở hữu muốn bán hãng hàng không cho ai, bổ nhiệm ai làm lãnh đạo là chuyện của doanh nghiệp. Thực tế, thời gian qua chủ sở hữu mới đã tiến hành tiếp quản và cung cấp tài chính để duy trì hoạt động của Bamboo Airways”, lãnh đạo Cục Hàng không nói.
Hơn 1 năm qua, sau khi khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, tạm giam, nhân sự lãnh đạo của hãng này liên tục biến động.
Trước đó, vào tháng 3/2022, Cục Hàng không đã thực hiện giám sát đặc biệt với hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways, khi ông Trịnh Văn Quyết -Chủ tịch Hội đồng quản trị của hãng (thời điểm đó) - bị khởi tố, bắt tạm giam. Việc giám sát này, theo lãnh đạo Cục Hàng không là do người sở hữu chính của hãng hàng không “gặp vấn đề”, trong giai đoạn khủng hoảng nên cơ quan quản lý phải quan tâm đảm bảo an toàn hoạt động bay.