Thi trên máy tính bảng, điện thoại thông minh: Liệu có lợi bất cập hại?

Học sinh lớp 12A7, Trường THPT Trần Hữu Trang đang làm bài kiểm tra giữa kỳ môn Toán. Ảnh: Internet
Học sinh lớp 12A7, Trường THPT Trần Hữu Trang đang làm bài kiểm tra giữa kỳ môn Toán. Ảnh: Internet
TPO - Việc các trường bắt đầu tiến hành cho học sinh thi trên máy tính bảng, điện thoại thông minh với ưu điểm ra khỏi phòng thi biết điểm luôn, không tốn tiền in giấy làm bài, hạn chế được tối đa tiêu cực nên có nhiều ý kiến ủng hộ. Vấn đề đặt ra là, việc cho học sinh mang điện thoại vào phòng thi có ‘’lợi bất cập hại”?

Học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học

Cách đây 1 tuần, học sinh khối 12, trường THPT Trần Hữu Trang, TP.HCM làm bài thi giữa kỳ môn Toán, thời gian làm bài 45 phút, thông qua ứng dụng công nghệ. Thay vì làm bài thi qua giấy kiểm tra như thông thường, học sinh làm bài trực tiếp trên điện thoại, hoặc máy tính kết nối wifi của nhà trường.

Tương tự trước đó, trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) lần đầu tiên áp dụng hình thức thi trên máy tính, môn đầu tiên là Toán.

Mỗi em làm bài trên máy tính kết nối với website thi trực tuyến trong 45 phút. Đề thi gồm 25 câu trắc nghiệm, được chia thành nhiều mã đề. Với hình thức này, học sinh sẽ biết điểm ngay sau khi kết thúc bài thi.

Với cách thức này, kết quả thi sẽ trực tiếp được chuyển thẳng lên ban giám hiệu để ghi nhận và đánh giá. Ngoài ra, có thể kết quả sẽ tự động gửi báo chi tiết đến cho phụ huynh qua email hoặc tin nhắn điện thoại.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, bên cạnh áp dụng hình thức thi trên máy tính, trường THPT Nguyễn Du cũng yêu cầu giáo viên đổi mới phương thức dạy học, tăng cường tổ chức theo nhóm. 

Cũng theo thầy Thanh Phú, học sinh thực tế thi trên máy tính, dùng công nghệ để kiểm tra, đánh giá là một phương pháp mới, đảm bảo được yêu cầu là đổi mới phương pháp đánh giá và chuẩn bị lộ trình cho năm học 2021 khi Bộ GD&ĐT cho học sinh thi trên máy tính cho một số tỉnh thành có điều kiện. 

“Trường đưa vào sử dụng  thi hình thức này vào 2018-2019, bước đầu cho tại lớp môn Toán, năm nay mở rộng sang ba môn Toán, Lý, Hóa đồng thời tại các lớp 11, 12 các em cho các em kiểm tra trên phần mềm”- thầy Phú thông tin

Cũng theo thầy Phú, lợi ích của kiểm tra trên phần mềm, nhà là trường không tốn tiền giấy in, soạn đề của thầy cô đồng thời không tốn  công sức chấm bài.

Liệu có phải thay đổi nội quy?

“Việc dùng điện thoại phục vụ cho việc học nên được hoàn toàn sử dụng hợp lý cho học sinh. Điện thoại của giáo viên, học sinh đều được kết nối với một website học tập trực tuyến nhưng sẽ ngắt sử dụng zalo hoặc các trang mạng khác. Với công nghệ này, thầy cô có thể cho học sinh tìm kiếm thông tin, làm bài kiểm tra ngay trên smartphone”- thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.

Thầy  Huỳnh Thanh Phú  cho rằng, việc học và thi trên máy tính bảng  là cách nhà trường mong có thêm nhiều phương pháp để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Cũng theo thầy Phú, hiện nay đa số em học sinh nào cũng có smartphone  (điện thoại thông minh). Mọi người chỉ mới nhìn ở mặt hại còn nếu mình không biết smartphone thành phương tiện học tập thì vẫn có ích.

Tuy nhiên, ngay sau khi áp dụng thử ở môn Toán, thầy Phú cho rằng, vẫn có những bất cập.

Theo thầy Phú, việc áp dụng kiểm tra đồng loạt  ở một trường cùng một lúc là 1.500 học sinh  thì phần mềm đang dùng có thể đảm bảo nhưng cùng lúc hai trường cùng dùng phần mềm này sẽ bị rung lắc. Để khắc phục dễ, các nhà cung cấp phần mềm phải nâng cấp phần mềm rộng hơn.

Một vấn đề nữa là việc được mang điện thoại vào làm bài thi cũng có lo ngại việc chụp đề ra ngoài, nhờ người bên ngoài  giải hộ bài thi rồi chuyển vào không?

Về vấn đề này, Thầy Phú cho rằng, về chất lượng cũng như giá cả điện thoại các em sẽ không giống nhau vì tùy điều kiện mỗi gia đình. Nhiều em có điện thoại có giá tiền cao, cấu hình tốt, một lúc có thể mở nhiều trình duyệt. Ngược lại, nhiều em sẽ chỉ dừng lại sử dụng ở mức độ chậm hơn.

Thầy Phú cũng khẳng định, việc học sinh dùng điện thoại thông minh có thể dễ dàng chụp hình đề ra bên ngoài giải đề và gửi đáp án vào là có thể xảy ra.

“Tuy nhiên, khó xảy ra nhiều vì thời lượng làm bài thì cắt hết các mạng zalo, facebook. Mỗi em trong phòng sẽ làm một đề, thời gian làm mỗi câu ngắn thì khả năng làm như vậy rất khó”- thầy Phú nhấn mạnh.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, bắt đầu từ năm học 2018-2019, các trường phổ thông tại thành phố sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin.

5 trường THPT là chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Nguyễn Du sẽ thí điểm mô hình trường học thông minh. Việc thí điểm này trên cơ sở xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử.

MỚI - NÓNG