Theo thầy Tùng, nếu kỳ thi THPT quốc gia chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp sẽ rất khó khăn, căng thẳng và tốn kém cho nhiều phía.
Thầy Tùng viết: Dịch COVID-19 đã đẩy đất nước ta vào giai đoạn khó khăn, trong đó có ngành giáo dục. Thời gian qua, giáo viên và học sinh đã rất cố gắng, khắc phục khó khăn để việc học và ôn thi được tiếp tục.
Chúng tôi mong muốn, các kỳ thi sẽ được tổ chức tinh gọn, đơn giản và tiết kiệm, trong đó có kỳ thi THPT, cũng phù hợp với thực tế và mong muốn của phụ huynh, học sinh khối 12.
Thi THPT Quốc gia 2020, chọn phương án nào?
Qua báo chí, tôi được biết, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện phương án để trình Chính phủ: đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT, giao cho các địa phương tổ chức, với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT. Các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục Đại học.
Theo cách hiểu của chúng tôi, kỳ thi này sẽ chỉ còn đóng 1 vai: xét tốt nghiệp. Nếu điều này xảy ra trong năm nay thì sẽ rất khó khăn, căng thẳng và tốn kém vì:
Hầu hết các thí sinh có nguyện vọng thi ĐH. Như thế, các em sẽ có thể phải thi thêm nhiều đợt khác.
Với các trường ĐH khác nhau, có thể có các phương án thi, tuyển sinh khác nhau. Thời gian còn lại quá ít để các em thích ứng với thay đổi đó. Các nhà trường, giáo viên, và học sinh từ đầu năm học đã chuẩn bị tinh thần theo phương án thi như cũ. Nếu thay đổi theo hướng này sẽ bị động và có nhiều bất lợi.
Ở thời điểm hiện tại, chưa có trường đại học nào đưa ra phương án tuyển sinh cụ thể.
Cuối thư, thầy Tùng cho rằng, thầy ủng hộ việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH. Tuy nhiên, đây là một năm học rất “đặc biệt”. Vì vậy, thầy mong muốn kỳ thi THPTQG vẫn được tổ chức với 2 mục đích là xét tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng.
Liên quan đến vấn đề thi THPT quốc gia năm nay, sáng ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT.
Dự kiến, kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp, các trường ĐH tự chủphương án tuyển sinh. Địa phương được giao trách nhiệm chủ trì tổ chức thi, chấm thi tự luận, Bộ GD&ĐT tiếp tục ra đề thi trên toàn quốc, áp dụng công nghệ thông tin để bảo mật bài thi; chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Như vậy, mục đích thứ 2 của kỳ thi THPT quốc gia năm nay không được nhắc tới. Các trường ĐH thay vì xét tuyển theo kết quả của kỳ thi này, nay phải có phương án tuyển sinh riêng.