Thi sĩ 'rạch giời rơi xuống': 16 vợ, 24 con

Thi si đa tình Nguyễn Đăng Hành, người tự nhận là bị "con chữ nó đày"
Thi si đa tình Nguyễn Đăng Hành, người tự nhận là bị "con chữ nó đày"
Nguyễn Đăng Hành là cái tên “nổi như cồn” ở làng Khoan Tế, xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội). Nổi bởi cái “lý sự” không giống ai, nổi bởi có 16 vợ, 24 con những vẫn… độc thân cho đến tận bây giờ.
Ông còn là một thi sĩ làng “rạch giời rơi xuống” với quan điểm: thơ là thở!
Người vợ thứ… 16
Tiết trời đầu xuân như chiều lòng người. Gió đông làm lộc hoa đào chúm chím như thiếu nữ. Nắng xuân chao chát mặt sông Hồng, khiến sóng xuân biêng biếc như mặt người giòn rượu lựng đỏ.
Chợ Bún (xã Đa Tốn) chộn rộn, tấp nập ngày Tết. Con ngõ nhỏ vòng vèo dẫn vào nhà ông Nguyễn Đăng Hành nhỏ bé như bị ai bóp, chỗ phình ra, chỗ thắt lại.
Nhà ông Hành khác hẳn với những nhà hàng xóm, căn nhà mái ngói ba gian, cũ kỹ đối diện với một nếp nhà tầng chừng hơn chục m2. Tất cả đều trống tuềnh trống toàng.
Một bể nước mưa cũ kỹ nằm ở giữa hai ngôi nhà. Cũng chẳng thể gọi là sân, vì bốn bề xung quanh cây cỏ, cây dại mọc như rừng, một lối mòn bé tí hon như đường chuột chạy. 
Một người phụ nữ đang lúi húi làm cơm bên cạnh bể nước. Chị ngoài bốn mươi, gương mặt hiền lành, người chắc nịch như chiếc chày giã cua.
Chị bảo: “Chú mày gần đây đi làm bảo vệ cho công ty của đứa cháu, chắc sắp về rồi. Cứ nhẩn nha ngồi chơi đợi ông ấy. Trên có trời, dưới có chú mày. Ông ấy cứ bình chân như vại, chả sợ gì sất. Ông ấy mà nói thì như lá trút trên rừng”.
Nhà ông Hành là cái nhà kho với vô số đồ cũ kỹ. Những món đồ ấy, nó rất khó để giữ lại nhưng cũng chẳng thể bỏ đi: lọ, bình bằng gốm Bát Tràng, dọc mé tường là một dãy gác-xép chạy dài với 'tả pí lù' các thứ “thổ tả.
Bộ ghế sopha cũ kỹ đã bong tróc lớp da bọc. Một chồng báo cũ chồng lên nhau phủ bụi, có thể là số báo được tích lại trong rất nhiều năm.
Trên nóc tủ, một bát hương nguội lạnh nằm dưới năm bức ảnh khổ A4 được phóng to, dán lên tường bằng băng dính.
Trong ảnh là một người đàn ông đa tình, đôi mắt như biết cười, rất nghệ sỹ dù các thời điểm chụp ảnh khác nhau: lúc là đầu để trọc, lúc là mái tóc dài dưới chiếc mũ phớt dạ đen… Đó là ảnh chân dung Nguyễn Đăng Hành!
Một cơ man những chai rượu ngâm rắn rết, hoa quả… phủ bụi xếp hàng trên mặt chiếc bàn kính đã vỡ một nửa. Trên chiếc giường có mâm cơm ăn dở từ sáng, cũng là đống chai lọ lỉnh kỉnh chen chúc sát mép tường.
“Rượu tự ngâm của ông ấy đấy. Đủ các loại, bắt được con gì ông ấy ngâm con đó. Đấy là ông ấy đã “di tản” vợi đi rồi, chứ không thì hàng trăm lọ” – người phụ nữ cất lời.
Cô là “vợ” thứ 16 của ông Hành. Hỏi: Các bà có bao giờ đánh ghen với nhau không?” - “Hơi đâu mà ghen. Đấy, cái bát hương trên nóc tủ với 5 cái ảnh của ông ấy, là ông ấy tự thờ ông ấy”.
Bữa cơm chiều cuối năm của người vợ thứ 16 khiến hai nếp nhà già nua, cũ kỹ như ấm áp lại.

Non trưa thì ông Hành về. Người đàn ông đa tình đã bước sang tuổi 66.

Thi sĩ 'rạch giời rơi xuống': 16 vợ, 24 con ảnh 1

Nguyễn Đăng Hành tự... thờ chính mình. Ông cắt nghĩa, nó là cái cớ để mời bạn thơ, khách thơ về nhà uống rượu: "Hôm nay là giỗ... tôi, mời bạn thơ đến nhà... uống chèn rượu".

16 lần cưới vợ vẫn cô đơn
Ông Hành lý luận, là phụ nữ thì phải “được” lấy chồng, phải được quyền làm mẹ. Thiên chức đó… ông trời đã ban cho họ. Tuy nhiên, với những phụ nữ không may khiếm khuyết về nhan sắc, hình thể, quá lứa lỡ thì, việc lấy chồng và được làm mẹ là vô cùng khó khăn nên ông phải “giúp” họ thực hiện việc đó.
“Là cây phải nảy búp chồi/ Nụ hoa phải đáng một đời nụ hoa/ Là con thì phải có cha/ Là gái hợp cẩn giao hòa âm dương”… Và để “giao hòa âm dương”, ông nói: “Ta đây dẫu chẳng thánh hiền/ Cũng liều đem cái khùng điên giúp đời”.

Xưa nay, ông Hành chẳng sống theo quy củ nào. Người ta gọi ông là Hành điên, Hành dở hơi, ai tử tế thì gọi là Hành nhà thơ. Mà cái danh “nhà thơ” cũng do mấy ông bạn gọi mà thành.

Thi sĩ 'rạch giời rơi xuống': 16 vợ, 24 con ảnh 2

"Thi quán" của Nguyễn Đăng Hành.

"Thơ thẩn gì mấy bài thơ bút tre”, ông Hành giãi bày. Căn nhà mái ngói được ông Hành gọi là CLB “Độc thi nhất quán”. Còn cái giường vứt bừa bãi chăn màn, giấy báo cũ nát được ông gọi bằng cái tên mỹ miều: Giường thơ.
Nghèo, lại 'bất tài vô dụng' (lời ông Hành) nhưng trời ban cho ông khả năng nói vô tận. Chuyện gì ông cũng nói say sưa, thế nhưng “xôm” nhất vẫn là chuyện về phụ nữ.
Khi đã vào đề, đố ai ngắt được lời ông. Hết ngồi lại đứng, hoa tay múa chân và có khi chồm hổm lên trên ghế để nói. Ông lý sự cho cái chuyện “đa thiếp” của mình rằng… không thể không thế. Tất nhiên, cái lý sự đó không giống ai cả, đúng hơn là ông ngụy biện cho mình.

Ông bảo, rõ ràng về mặt luật pháp không thể chấp nhận được nhưng ông sống… vì cái tình. Cái tình không cho phép ông ngồi nhìn chị em “chết già”.

Thi sĩ 'rạch giời rơi xuống': 16 vợ, 24 con ảnh 3

Người vợ thứ 16 của ông Hành

Khi "tia" được đối tượng phù hợp, ông lập tức buông câu, bằng khả năng ăn nói của mình, Hành khiến chị em “đổ gục”. Cứ thế, từ người vợ thứ nhất cho đến người… thứ 16 kịch bản đều như vậy.
Thật ra, ông Hành cũng có một người vợ chính thức, cưới năm 1978. Đó là người con gái xinh đẹp tên Lê, quê Sài Đồng. Tài làm thơ, ứng khẩu linh hoạt của ông Hành khiến trái tim trắng trong của Lê chẳng mấy chốc đã loạn nhịp.
Chẳng mất nhiều thời gian, ông Hành “rước nàng về dinh”. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng cũng chỉ kéo dài vỏn vẹn được 5 năm. Vợ đã dứt áo ra đi, hai đứa con trai về ở với mẹ. Đăng Hành trở thành người cô đơn và bắt đầu hành trình chinh phục và “giúp đời” từ đó…
Theo Theo VietnamNet
MỚI - NÓNG