Israel bị cuốn vào căng thẳng Trung-Mỹ

TPO - Các quan ngại về chính trị liên quan đến dự án đầu tư của Trung Quốc vào cảng lớn thứ ba ở Israel có thể là lý do đằng sau quyết định của chính phủ ở Tel Aviv xem xét lại một thỏa thuận cho phép Bắc Kinh nắm cổ phần chi phối tại đây, theo các nhà phân tích.
Israel bị cuốn vào căng thẳng Trung-Mỹ ảnh 1

Tàu khu trục USS Donald Cook của Hải quân Mỹ trong một lần tiến vào cảng Haifa, điểm dừng quen thuộc của tàu chiến Mỹ tại Địa Trung Hải (SCMP)

Diến biến này xuất hiện sau khi giới chức an ninh Israel được nói là đã xem xét lại thỏa thuận giữa Bộ Giao thông Vận tải Israel và Tập đoàn cảng biển quốc tế Thượng Hải (SIPG) liên quan đến cảng Haifa, theo tin của SCMP.

SIPG đã cam kết rót 2 tỷ USD vào dự án và lên kế hoạch biến cảng này thành cảng biển lớn nhất ở Israel. Thỏa thuận với chính phủ Israel cho phép SIPG quản lý  cảng Haifa trong 25 năm.

Tuy nhiên, theo tờ Jerusalem Post, Mỹ đã gia tăng áp lực với Israel trong khi hải quân Mỹ thừa nhận rằng các hoạt động lâu nay của họ tại cảng Haifa có thể thay đổi một khi SIPG bắt đầu quản lý cảng Haifa từ năm 2021.

Haifa là thành phố cảng lớn nhất của Israel, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung giữa tàu chiến Mỹ và Israel. Thỏa thuận với SIPG làm dấy lên các lo ngại về tình báo và an ninh.

Haifa không phải là cảng duy nhất của Israel có liên quan đến tiền đầu tư từ Trung Quốc: một chi nhánh của Công ty Kỹ thuật cảng biển Trung Quốc đã thắng thầu một hợp đồng xây cảng tại Ashdod trên bờ Địa Trung Hải trị giá 876 triệu USD.

Theo chương trình trị giá hàng ngàn tỷ USD “Vành đai và Con đường”, khởi động từ năm 2013 nhằm tăng kết nối thương mại giữa châu Á, châu Âu, châu Phi và xa hơn nữa, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể đầu tư toàn cầu, đặc biệt là các công trình hạ tầng hàng hải.

Các công ty hàng đầu Trung Quốc như Cosco Shipping Ports và China Merchants Port Holdings đang trong cuộc đua giành lấy cổ phần hoặc các thỏa thuận xây cảng biển ở khắp nơi.

Oded Eran, nhà nghiên cứu kỳ cựu thuộc Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia, từng là nhà ngoại giao Israel, nói đang có những lo ngại ngày càng sâu sắc ở nhiều quốc gia về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và khả năng sức mạnh này được sử dụng trong nhiều trường hợp để đạt được mục tiêu chính trị.

“Trong trường hợp Israel, các mối lo ngại hầu hết liên quan đến an ning… khi cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, cần thiết phải bảo vệ tài sản quốc gia”, ông Eran nói và thêm rằng chính phủ Israel và khối doanh nghiệp tư nhân vẫn coi trọng hợp tác với Trung Quốc trong các mặt kinh tế và khoa học.

Ehud Gonen, chuyên gia về chính sách hàng hải và chiến lược tại đại học tổng hợp Haifa, nói đầu từ tư Trung Quốc tăng vọt tại Israel đã gây ra lo ngại. ”Vì quy mô rất đáng kể của các khoản đầu tư toàn cầu từ Trung Quốc, các cuộc tranh luận đã nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới về tác động và động cơ của những khoản đầu tư đó”, ông Gonen nói.

Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Israel đã vượt 11 tỷ USD, gấp 200 lần so với 25 năm trước. Trong cùng thời gian này, từ 1992-2017, thương mại Mỹ -Trung tăng 20 lần về quy mô, theo số liệu của Hội đồng quan hệ quốc tế Mỹ.

Nhưng Lưu Nãi Á, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu Tây Á và châu Phi thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói lý do của Israel trong việc xem xét lại dự án cảng Haifa thuần túy là chính trị.

“Lý do vì sao Mỹ muốn đồng minh của mình xem lại thỏa thuận? Đó là cản trở hợp tác giữa Trung Quốc và Israel. Đây là phương pháp thường thấy của Washington trong việc ngăn chặn các hoạt động quốc tế của Trung Quốc,” chuyên gia Lưu nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.