Bản dự thảo của Mỹ lên án cuộc tấn công nghi là do chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến hành ở Douma, đồng thời yêu cầu cho phép nhân viên cứu trợ nhân đạo được tiếp cận hiện trường cũng như tiến hành điều tra độc lập.
Bà Nikki Haley, Đặc phái viên của Mỹ tại LHQ chỉ trích Nga, cho rằng Moscow "che chở" chính quyền Damascus và "ngáng đường" các nước phương Tây trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp tại đất nước này. Bà nói thêm: "Nga đã làm mất uy tín của Hội đồng Bảo an LHQ".
Trong khi đó, bảy quốc gia, trong đó có Mỹ, cùng ngày cũng bác bỏ dự thảo nghị quyết của Nga nhằm thành lập một cuộc điều tra dưới sự kiểm soát của Hội đồng Bảo an.
Theo bà Haley, bản dự thảo này được thiết kế nhằm cho phép Nga có cơ hội chọn lọc các điều tra viên theo ý đồ riêng cũng như cho phép Hội đồng Bảo an gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc điều tra.
Ngoài ra, một dự thảo khác của Nga nhằm ủng hộ sự vào cuộc của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học cũng không được thông qua. Tổ chức này bao gồm nhiều điều tra viên quốc tế nhưng không có đủ thẩm quyền để phán quyết lỗi thuộc về bên nào.
Ông Nebenzya, đại diện của Nga tại LHQ đáp lại bằng cách bác bỏ dự thảo của Mỹ và cho rằng "phía Mỹ một lần nữa muốn đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế và làm gia tăng căng thẳng".
Đại diện của Syria cũng phát biểu với lập trường cho rằng "Mỹ mới chính là kẻ gây hấn” với kho vũ khí hóa học đồ sộ của mình". Ông cũng khẳng định rằng Syria hoan nghênh sự vào cuộc của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học và "sẵn sàng hợp tác cũng như hỗ trợ dưới mọi hình thức”.