Thế giới ghi nhận thêm 8.965 ca tử vong do COVID-19 hôm 14/11, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 1.317.260. Tổng số ca nhiễm hiện là 54.298.102, trong đó 37.808.321 người đã bình phục.
Mỹ, tâm dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 11.217.056 ca mắc và 251.215 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 148.323 và 1.219 ca. California và Texas đã trở thành hai bang đầu tiên ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm tại Mỹ. Giới chức cũng đang lo ngại về nguy cơ lan rộng của cụm dịch mới tại Nhà Trắng khi hàng chục nhân viên Mật vụ Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Trump được cho là đã mắc COVID-19.
Thống đốc New York Andrew Cuomo thông báo áp đặt hạn chế mới từ 13/11, yêu cầu quán bar, nhà hàng và phòng tập thể dục trong bang đóng cửa vào 22h, giới hạn số người tham dự các bữa tiệc riêng tư từ 10 người trở xuống. Một ngày trước đó, California và một số bang Trung Tây cũng siết chặt hạn chế phòng dịch.
Ấn Độ, tâm dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 41.659 ca nhiễm và 449 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì COVID-19 lên lần lượt 8.814.902 và 129.674.
Thủ đô New Delhi cuối ngày 12/11 ghi nhận ca nhiễm mới hàng ngày cao kỷ lục với hơn 7.000 trường hợp chỉ trong 24 giờ. Trong khi các khu vực khác ở Ấn Độ đã giảm ca nhiễm mới đáng kể từ đỉnh dịch giữa tháng 9, thủ đô 20 triệu dân đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Nhiều bệnh viện tại New Delhi hiện rơi vào tình trạng quá tải.
Brazil, tâm dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 712 ca tử vong, nâng tổng số lên 165.658. Số người mắc đã tăng 29.463 ca trong 24 giờ qua, lên 5.848.959.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc chữa thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Anh báo cáo thêm 26.860 ca nhiễm và 462 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.344.356 và 51.766.
Anh hôm 31/10 tái áp đặt phong tỏa toàn quốc Đây là một trong những lệnh giới hạn nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II, trong đó người dân được yêu cầu ở nhà và chỉ ra đường vì những lý do nhất định như đi học, đi làm, mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu và thuốc men, cũng như chăm sóc những người dễ tổn thương trong xã hội.
Tại Italy, quốc gia ghi nhận 1.144.552 ca nhiễm và 44.683 ca tử vong, tăng lần lượt 37.255 và 544, chính phủ tuần trước áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc cũng như các biện pháp cứng rắn hơn ở 4 khu vực, đóng cửa hầu hết các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và hạn chế việc đi lại của người dân.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 749.182 ca nhiễm và 20.206 ca tử vong, tăng lần lượt 2.257 và 33 ca.
Nam Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là tâm dịch lớn nhất khu vực với 463.007 ca nhiễm, tăng 5.272 so với hôm trước, trong đó 15.148 người chết, tăng 111 ca. Tổng thống Indonesia Widodo hôm 13/11 cho biết nước này đã xin cấp phép khẩn cấp cho chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 hàng loạt để đối phó đại dịch.
Philippines báo cáo 406.337 ca nhiễm và 7.791 ca tử vong, tăng lần lượt 1.650 và 39 ca, là tâm dịch lớn thứ hai khu vực. Quá trình chống COVID-19 tại nước này đang gặp thêm khó khăn do bão lớn khiến người dân phải đi sơ tán tại các địa điểm đông người và thiếu biện pháp an toàn ngăn virus lây lan.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Ghebreyesus, nhấn mạnh các quốc gia phải đoàn kết để chống lại virus. "Chúng ta có thể mệt mỏi với COVID-19, nhưng nó không mệt mỏi với chúng ta", ông nói.