THẾ GIỚI 24H: Tướng tình báo Indonesia bị quân nổi dậy bắn chết

0:00 / 0:00
0:00
Tướng tình báo Gusti Putu Danny Karya Nugraha bị bắn chết hôm 25/4. Ảnh: Jakarta Post.
Tướng tình báo Gusti Putu Danny Karya Nugraha bị bắn chết hôm 25/4. Ảnh: Jakarta Post.
TPO - Chỉ huy cơ quan tình báo của Indonesia tại tỉnh Papua đã bị bắn chết sau khi đoàn xe của ông bị phục kích.

Tướng một sao Gusti Putu Danny Karya Nugraha, chỉ huy cơ quan tình báo Papua, đã bị bắn chết hôm 25/4. Đoàn xe của ông bị lực lượng nổi dậy phục kích trên cao nguyên Papuan ở tỉnh Papua, miền Đông Indonesia, theo Al Jazeera. "Ông ấy có mặt tại khu vực nhằm tái lập an ninh và cổ vũ sĩ khí của người dân địa phương sau một loạt vụ tấn công gây ra bởi các nhóm ly khai và khủng bố", người phát ngôn Cơ quan Tình báo Quốc gia Wawan Purwanto nói. Hôm 26/4, Tổng thống Joko Widodo cho biết đã yêu cầu quân đội và cảnh sát khẩn trương truy bắt tất cả thành viên các nhóm nổi dậy ở tỉnh cực đông Papua.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/4 ra lệnh cho một số nhân viên sứ quán Mỹ rời khỏi thủ đô Kabul, Afghanistan do bạo lực đang gia tăng tại đây. Các nhân viên này được lệnh rời khỏi thủ đô Kabul trong bối cảnh có các báo cáo về bạo lực gia tăng và các mối đe dọa tại đây. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết bao nhiêu nhân viên sứ quán Mỹ phải rời đi. Động thái này diễn ra sau khi bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/04 nâng mức độ cảnh báo đi lại tới Afghanistan lên mức cao nhất do lo ngại về Covid-19, khủng bố, bạo loạn dân sự, bắt cóc và xung đột vũ trang.

Giao tranh đã nổ ra ở miền Đông Myanmar gần biên giới Thái Lan vào sáng sớm 27/4 khi quân nổi dậy người dân tộc thiểu số Karen tấn công một tiền đồn của quân đội. Liên minh Quốc gia Karen (KNU) - lực lượng nổi dậy lâu đời nhất của Myanmar cho biết, họ đã chiếm được doanh trại quân đội ở bờ Tây sông Salween, giáp biên giới với Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông báo cập nhật trực tuyến ngày 27/4 rằng các sinh viên và học giả, cũng như các nhà báo và một số cá nhân khác từ những nước bao gồm Trung Quốc, Brazil, Iran và Nam Phi sẽ được phép tới Mỹ với thị thực phù hợp, theo Wall Street Journal. Bước đi này được cho là sẽ giúp các trường đại học ở Mỹ vượt qua khó khăn về tài chính trong bối cảnh số sinh viên nước ngoài đăng ký theo học tại Mỹ sụt giảm do Covid-19. nguồn thu từ các sinh viên quốc tế ở Mỹ đã sụt giảm 1,8 tỷ USD trong năm học 2019-2020, theo Theo Hội đồng giáo dục Mỹ.

Ngày 27/4, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết nước này sẽ trục xuất nhân viên lãnh sự Nga tại Odessa, nhằm đáp trả việc Moskva trục xuất một nhân viên ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Ukraine ở Moskva. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ukraine nêu rõ nguyên nhân của quyết định trên là do Nga đã có các hành động "không thân thiện đối với những nhân viên thuộc phái đoàn ngoại giao của Ukraine" tại nước này. Theo bộ trên, nhân viên lãnh sự Nga tại Odessa sẽ phải rời Ukraine trước thời hạn chót là cuối ngày 30/4.

Trong ngày 27/4, đại diện các nước Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đã tiến hành vòng đàm phán thứ ba tại Vienna (Áo) nhằm thống nhất các bước đi cần thiết để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran. Đại sứ Nga tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - ông Mikhail Ulyanov - cho biết các bên đã nhất trí đẩy nhanh các nỗ lực để đưa Mỹ và Iran trở lại việc tuân thủ các nội dung trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Cảnh sát Indonesia cho biết 5 phiến quân vũ trang đã bị tiêu diệt trong một vụ đọ súng ở khu vực Ilaga, huyện Puncak, tỉnh Papua trong ngày 27/4. Người phát ngôn Cảnh sát tỉnh Papua, Thanh tra cao cấp Ahmad Musthofa Kamal cho biết cảnh sát đã tăng cường hành động, trong đó có vụ bao vây hang ổ của phiến quân tại huyện Puncak, sau khi phiến quân sát hại người đứng đầu Chi nhánh Cơ quan Tình báo Quốc gia tại tỉnh Papua, Thiếu tướng Putu I Gusti Putu Danny Karya Nugraha vào ngày 25/4. Trong một tuyên bố bằng văn bản, ông Kamal cho hay trong vụ bao vây trên, 5 thành viên của nhóm phiến quân vũ trang do Lekagak Telenggen cầm đầu đã bị tiêu diệt, trong khi một cảnh sát hy sinh và 2 người khác bị thương.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 13.800 ca tử vong và trên 800.000 ca nhiễm mới. Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục ca nhiễm mới, trong khi ca tử vong vượt mốc 200.000. Các chuyên gia lo ngại số ca nhiễm thực tế ở nước này có thể cao gấp 30 lần báo cáo, lên hơn nửa tỷ người. Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 28/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 149.289.818 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.147.190 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 801.473 và 13.866 ca tử vong mới.

Thái Lan ngày 27/4 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay sau khi quốc gia Đông Nam Á này xác nhận thêm 15 bệnh nhân không qua khỏi. Giới chức Thái Lan ngày 27/4 cũng ghi nhận thêm 2.179 ca nhiễm mới, nâng tổng số các ca bệnh từ trước tới nay lên 59.687 ca, trong đó có 163 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận, có 2.149 ca lây nhiễm cộng đồng, 25 ca được phát hiện thông qua việc chủ động xét nghiệm và 5 ca ngoại nhập. Cho đến nay, Thái Lan vẫn còn 25.973 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trong các bệnh viện, trong đó có 5.665 người tại các bệnh viện dã chiến và 169 người phải thở máy.

MỚI - NÓNG