Điều gì có thể đã xảy ra với tàu ngầm Indonesia những giây phút cuối?

0:00 / 0:00
0:00
Tàu ngầm KRI Nanggala-402. M. Risyal Hidayat / Antara Foto/Reuters
Tàu ngầm KRI Nanggala-402. M. Risyal Hidayat / Antara Foto/Reuters
TPO - Sau 5 ngày tìm kiếm, mảnh vỡ từ tàu ngầm mất tích KRI Nanggala của Indonesia đã được phát hiện ở độ sâu hơn 800 mét ở biển Bali.

Không có người sống sót trong số thủy thủ đoàn 53 người - và không có gì chắc chắn nguyên nhân của thảm họa sẽ được xác định. Hải quân Indonesia sẽ cần phải quyết định họ dành bao nhiêu nỗ lực để kiểm tra và trục vớt xác tàu vì đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và không có gì đảm bảo sẽ thành công.

Khám nghiệm ban đầu về con tàu bị chìm cho thấy xác tàu vỡ làm ba mảnh, với thân tàu và đuôi tàu bị tách rời.

Hải quân Indonesia đã công bố đoạn video do một phương tiện hoạt động dưới nước điều khiển từ xa của Hải quân Singapore, cho thấy một trong những vây gắn trên đuôi tàu.

Các bức ảnh khác có thể đã cho thấy các phần bên trong, nhưng căn cứ vào hình ảnh không thể xác định hoàn toàn rõ ràng và chính xác đó là phần nào của con tàu.

Phải mất một năm người ta mới tìm thấy tàu ngầm San Juan của Argentina sau khi nó bị chìm vào năm 2017. Việc phát hiện vị trí của Nanggala rất sớm trong quá trình tìm kiếm cho thấy con tàu đang ở gần vị trí được báo cáo cuối cùng của nó.

Theo các chuyên gia của Forbes, ở giai đoạn này, không thể biết được điều gì đã kích hoạt sự cố. Các nguyên nhân có thể bao gồm sự cố về vật liệu hoặc cơ học dẫn đến việc nước tràn vào một hoặc nhiều khoang. Với tàu ngầm, chỉ cần mất đi sức nổi ở mức độ vừa phải, đã có thể dẫn đến mất khả năng kiểm soát độ sâu.

Có thể đã xảy ra hỏa hoạn, điều mà các thủy thủ tàu ngầm đặc biệt lo sợ trong môi trường kín của họ. Hoặc có thể có lỗi của con người. Tuy nhiên, các tàu ngầm có các quy trình vận hành tiêu chuẩn được phát triển rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Có nhiều khả năng đã xảy ra hỏng hóc hơn là yếu tố con người.

Bất kể tác nhân nào kích hoạt, số phận bi thảm của KRI Nanggala sẽ chấm hết một khi nó vượt quá độ sâu mà thân tàu có thể chịu được áp lực ngày càng tăng. Chưa có số liệu nào thể hiện chính xác khi nào thì thân tàu vỡ tan dưới áp lực nước.

Các tàu ngầm như Nanggala có độ sâu hoạt động an toàn ít nhất là 260m. Những gì được gọi là "độ sâu chết chóc", khi thân tàu vỡ, sẽ cao hơn thế. Nhưng nguy cơ vỡ thân tàu tăng rất nhanh khi độ sâu tăng lên. Ở độ sâu 800m, Nanggala không có cơ hội còn nguyên vẹn.

Các nhà chức trách Indonesia hy vọng sẽ trục vớt được đống đổ nát của Nanggala. Điều này là có thể, và đã có một số tiền lệ cho việc này.

Nhiệm vụ năm 1974 của Mỹ có tên mã là Dự án "Azorian" liên quan đến việc thu hồi bí mật (từ vùng nước sâu hơn nhiều) các bộ phận của một tàu ngầm mang tên lửa của Liên Xô bị đánh chìm.

Tuy nhiên, việc đưa khoảng 1.300 tấn kim loại trở lại bề mặt từ độ sâu hơn 800m vẫn là một đề xuất đáng ngại. Chỉ một số ít các tổ chức cứu hộ có khả năng thực hiện một nhiệm vụ như vậy.

Và việc này cũng sẽ rất tốn kém. Người ta có thể tranh luận rằng Hải quân Indonesia bị hạn chế về ngân sách có những thứ cần đầu tư hơn, bao gồm cả 4 tàu ngầm còn lại của họ.

Hơn nữa, không có gì đảm bảo nguyên nhân cụ thể của thảm họa sẽ được phát hiện. Tàu ngầm là những cỗ máy lớn và phức tạp, và hệ thống "hộp đen" sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề có thể xảy ra với Nanggala.

MỚI - NÓNG