THẾ GIỚI 24H: Thổ Nhĩ Kỳ ‘không hối tiếc’ vì bắn rơi máy bay Nga

THẾ GIỚI 24H: Thổ Nhĩ Kỳ ‘không hối tiếc’ vì bắn rơi máy bay Nga
TPO - Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekchi tuyên bố nước này không hối tiếc vì vụ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Bộ trưởng Zeybekchi nói: "Chúng tôi không cảm thấy hối tiếc, nhưng đáng buồn. Phía Nga cũng vậy. Chúng tôi cho rằng họ cũng buồn vì đã cố tình xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ". Ông Zeybekchi cũng phân tích trong tình huống này "Liên bang Nga không đúng, bởi máy bay Nga đã hiện diện trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ 13 hoặc 14 phút," bất chấp "vô số lời cảnh báo" đã gửi cho phi công.


Người đàn ông bị cảnh sát bắt vì liên quan vụ giết hại nghị sĩ Anh Jo Cox là đối tượng có quan hệ từ lâu với một tổ chức phát xít mới và từng đặt mua một cuốn sách hướng dẫn tự lắp ráp súng. Chi tiết về đối tượng này được một nhóm chuyên giám sát các hoạt động cực đoan cho biết hôm qua, ngày 17/6. Nghị sĩ Jo Cox bị bắn và đâm chết trưa 16/5 khiến nước Anh chấn động và dẫn đến việc tạm dừng chiến dịch vận động trưng cầu ý dân về việc nước Anh nên ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu. (XEM CHI TIẾT)


Tướng David Goldfin cho rằng, không quân Mỹ sẵn sàng đảm trách thành lập vùng cấm bay ở Syria, nhưng để làm được như vậy, họ phải có quyền bắn rơi các máy bay chiến đấu của Nga trên bầu trời quốc gia Trung Đông này. (XEM CHI TIẾT)


Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đen, bất chấp việc Nga coi các chiến hạm Mỹ là mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus ngày 17/6 cho rằng, sự hiện diện của chiến hạm Mỹ ở Biển Đen là nhằm ngăn chặn xung đột cũng như giữ cho các tuyến hàng hải được thông mở. (XEM CHI TIẾT)


Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 17/6 cho biết ông chuẩn bị thông báo về một chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thành phố Falluja, sau khi quân đội Iraq được Mỹ hỗ trợ đã tiến công thần tốc về trung tâm thành phố này. 

THẾ GIỚI 24H: Thổ Nhĩ Kỳ ‘không hối tiếc’ vì bắn rơi máy bay Nga ảnh 1

Trên trang Twitter, Thủ tướng al-Abadi viết rằng ông "sẽ thông báo với người dân Iraq trong tối nay về một chiến thắng giải phóng thành phố Falluja" - nơi bị những tay súng thánh chiến nắm giữ một thời gian dài. 


Đại sứ Syria tại Nga Riyad Haddad cho biết thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị thương trong một chiến dịch chống khủng bố gần đây. Ông Haddad khẳng định: "Không có thông tin chính xác về cái chết của al-Baghdadi, song tôi biết chắc chắn rằng hắn bị thương."


Ngày 17/6, chính quyền tỉnh Tottori, miền Tây Nhật Bản cho biết đã phát hiện mảnh vỡ có thể thuộc một tên lửa của Triều Tiên ở bờ biển của tỉnh này. Mảnh vỡ kim loại dài 1,8 m và rộng 1,2 m, được một quan chức tỉnh Tottori phát hiện hôm 16/6 và đang được cảnh sát địa phương cất giữ. Mảnh vỡ trên giống mảnh đã được Hàn Quốc tìm thấy sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh ngày 7/2 vừa qua. Mảnh vỡ đó được cho là thuộc phần chóp tên lửa.


Ngày 17/6, Tổng thống Croatia Kolinda Grabar Kitarovic đã kêu gọi quốc hội nước này tự giải tán để mở đường cho cuộc bầu cử sớm sau khi chính phủ không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm một ngày trước đó. Lời kêu gọi trên được bà Kitarovic đưa ra trong bài phát biểu trước toàn dân sau khi tham vấn tất cả các đảng lớn để xác định có đảng nào kiểm soát đa số trong quốc hội gồm 151 ghế để đứng ra thành lập chính phủ mới hay không. 


Ngày 17/6, các chuyên gia của Ủy ban điều tra chính thức của Ai Cập đã nhận được bàn giao hai hộp đen được trục vớt dưới đáy Địa Trung Hải để chuẩn bị cho việc khôi phục và phân tích dữ liệu, nhằm tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Airbus A320 mang số hiệu MS804 của hãng hàng không quốc gia EgyptAir xảy ra cách đây gần một tháng.

 
THẾ GIỚI 24H: Thổ Nhĩ Kỳ ‘không hối tiếc’ vì bắn rơi máy bay Nga ảnh 2

Hộp đen ghi tín hiệu âm thanh buồng lái (CVR) đã được phát hiện và trục vớt ngày 16/6, trong khi hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) được tìm thấy ngày 17/6.


Liên minh châu Âu (EU) vừa gia hạn thêm một năm lệnh cấm các giao dịch buôn bán với bán đảo Crimea do vụ Nga sáp nhập bán đảo này năm 2014, hành động vốn không được quốc tế công nhận. Lệnh trừng phạt sẽ được kéo dài tới ngày 23/6/2017, theo đó EU cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Crimea, cấm mọi hoạt động đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng như xuất khẩu một số hàng hóa và dịch vụ cho Crimea. (XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG