THẾ GIỚI 24H: Texas quyết khởi kiện chính quyền Tổng thống Biden vì sắc lệnh mới

Thống đốc bang Texas Greg Abbott. Ảnh: AP.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott. Ảnh: AP.
TPO - Thống đốc Texas cho biết bang này đã sẵn sàng kiện chính quyền Biden về các quy định mới với môi trường, sau khi tân tổng thống ký sắc lệnh hành pháp về chống biến đổi khí hậu.

Thống đốc Texas Greg Abbott cho biết trong một cuộc họp báo hôm 28/1 rằng Texas sẽ theo đuổi "chiến lược pháp lý để chống lại bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Biden" đe dọa ngành năng lượng hoặc việc làm của lĩnh vực này, theo Forbes. Ông Abbott ra sắc lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan của bang “sử dụng mọi quyền hạn và công cụ hợp pháp” để chống lại các hành động liên bang mà họ tin rằng đe dọa ngành năng lượng của bang - bao gồm “xác định (khả năng) khởi kiện”. Đồng thời, sắc lệnh cũng chỉ trích các biện pháp của Biden là thể hiện “thái độ thù địch cực độ đối với ngành năng lượng”.


Ủy ban Vắcxin thuộc Viện Robert Koch (STIKO) của Đức ngày 28/1 đã đưa ra khuyến cáo chỉ nên tiêm vắcxin ngừa COVID-19 do AstraZeneca sản xuất cho người dưới 65 tuổi, một thông tin có thể gây ảnh hưởng đến quá trình cấp phép đối với loại vắcxin này tại châu Âu. Bộ Y tế Đức công bố khuyến cáo vắcxin cập nhật của ủy ban trên, trong đó cho biết hiện vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ để đánh giá hiệu quả của vắcxin với người trên 65 tuổi. Theo khuyến cáo này, vắcxin của AstraZeneca không giống với vắcxin mRNA và chỉ nên tiêm cho người từ 18-64 tuổi theo từng giai đoạn.

Những tay súng có vũ trang đã bắt cóc ít nhất 30 người ở Nigeria hôm 28/1 và giết chết hơn 10 người khác trong một loạt vụ tấn công ở Tây Bắc nước này. Các tay súng đi xe máy, tấn công ngôi làng Kungi ở bang Kaduna từ đêm 27/1 đến ngày 28/1, giết chết một người và bắt cóc 30 người. Vài giờ trước đó, các tay súng cũng đã tấn công hai ngôi làng Unguwar Sarki và Bilbis thuộc bang Katsina lân cận, giết chết 11 người và cướp đi nhiều gia súc. Bắt cóc đòi tiền chuộc diễn ra khá phổ biến ở Nigeria, với hàng trăm người đã bị bắt đi trong những năm gần đây. Tuy nhiêu phần lớn các nạn nhân thường được thả trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi bị bắt cóc, mặc dù cảnh sát hiếm khi xác nhận được rằng bọn bắt cóc đã lấy được tiền chuộc.

Hàng trăm nghìn người trên khắp Ba Lan đã biểu tình phản đối lệnh cấm phá thai của chính phủ đã chính thức có hiệu lực. Đám đông biểu tình đã tập trung ở trụ sở Đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền và hát bài "I Will Survive" nghĩa là “tôi sẽ tồn tại”. Dự kiến, các cuộc biểu tình tiếp sẽ diễn ra hết tuần này như một phần của kế hoạch “cuộc đình công của phụ nữ” đang lan rộng ở hàng trăm thị trấn và thành phố trên khắp đất nước.

Truyền hình nhà nước Iran ngày 28/1 đưa tin nước này đã vượt mục tiêu sản xuất 17 kg urani làm giàu ở mức 20% trong vòng 1 tháng. Theo các chuyên gia, khoảng 250 kg urani được làm giàu ở mức 20% có thể chuyển thành 25 kg urani độ tinh khiết 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân. Bước phát triển trên đưa Iran tiến gần hơn tới giới hạn các hoạt động sử dụng hạt nhân vì mục đích dân sự, trong khi Iran lâu nay bác bỏ điều này.

Kênh Al Jazeera đưa tin hàng trăm người Rohingya tại trại tị nạn Lhokseumawe ở Indonesia đã mất tích. Tính đến tuần này, chỉ còn 112 người Rohingya còn tạm trú tại trại tị nạn Lhokseumawe. Trong khi đó, trong giai đoạn từ tháng 6 - tháng 9/2020, có tới 400 người Rohingya có mặt ở trại tị nạn này. Một quản lý trại tị nạn tên Ridwan Jalil ngày 28/1 thừa nhận: “Chúng tôi không biết họ đã đi đâu”. Trong khi đó, giới chức Malaysia cho biết gần đây cảnh sát đã phát hiện 18 người Rohingya thuộc trại tị nạn Lhokseumawe ở thành phố Medan cách đó vài trăm mét. Đi cùng họ là hàng chục nghi phạm buôn người, những cá nhân này dường như muốn vượt biên đến Malaysia.

Ngày 28/1, Ấn Độ đã gửi hàng trăm nghìn liều vắcxin ngừa COVID-19 cho Bahrain và Sri Lanka, một động thái nhằm khẳng định vai trò của New Delhi trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 trong khu vực cung như trên toàn cầu. Theo truyền thông Ấn Độ, một máy bay chở 500.000 liều vắcxin đã hạ cánh xuống thủ đô Colombo của Sri Lanka. Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã tiếp nhận tượng trưng lô vắcxin trên từ Đại sứ Ấn Độ Gopal Baglay trong buổi lễ diễn ra tại sân bay Colombo. Đây là một phần trong sáng kiến "Vaccine Maitri" của Ấn Độ, sử dụng vắcxin Covishield do nước này sản xuất. Covishield là tên gọi dành cho phiên bản vắcxin của hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu phát triển và do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất.

Ngày 28/1, Hạm đội Phương Bắc của Nga thông báo các đơn vị không quân và phòng không của lực lượng này đã tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến đầu tiên nhằm chống lại cuộc không kích vào vị trí được bảo vệ gần sân bay hải quân Safonovo ở khu vực Murmansk. Theo thông báo, cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 10 phương tiện và 100 binh sĩ, trong đó có phi đội trực thăng tấn công Ka-29, máy bay không người lái (UAV) và các đơn vị an ninh. Đội ngũ tham gia diễn tập đã thực hiện hàng loạt yêu cầu giải quyết các nhiệm vụ phòng không dựa trên kinh nghiệm tác chiến ở chiến trường Syria, đặc biệt là chống lại một cuộc tấn công UAV bằng súng và hệ thống phòng không Pantsir-S1.

Cựu đệ nhất phu nhân Melania Trump đang thành lập văn phòng của riêng mình ở Palm Beach (bang Florida, Mỹ) sau khi rời khỏi Nhà Trắng, theo CNN. CNN trích dẫn từ hai nguồn thạo tin, cho hay vợ ông Trump có kế hoạch duy trì Be Best - dự án do bà khởi xướng khi còn đương nhiệm.

MỚI - NÓNG
Úc vận chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến Hà Nội ngày 11/9. (Ảnh: ĐSQ Úc)
Mỹ, Úc hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam ứng phó sau bão số 3
TPO - Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 gây ra. Chính phủ Úc hôm nay công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.