THẾ GIỚI 24H: Pháp nói gì sau 1 ngày phía Đông Ukraine ngừng bắn?

THẾ GIỚI 24H: Pháp nói gì sau 1 ngày phía Đông Ukraine ngừng bắn?
TPO - Văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 15/2 cho biết lệnh ngừng bắn tại Ukraine “nói chung là chấp nhận được” bất chấp một số “vụ việc mang tính cục bộ”. Thông tin trên được đưa ra sau cuộc điện đàm 4 bên giữa các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ukraine và Nga diễn ra cùng ngày.

Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Pháp, các nhà lãnh đạo 4 nước trên “đã lưu ý rằng việc tôn trọng lệnh ngừng bắn nói chung là thỏa đáng bất chấp một số vụ việc mang tính cục bộ cần nhanh chóng giải quyết theo tình hình thực tế”. Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại sự nhất trí của họ nhằm hướng tới những bước đi tiếp theo trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk được ký kết hồi tuần trước, vốn được xem là một thỏa thuận cuối cùng nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra chiến tranh tổng lực ở Ukraine. Bốn nhà lãnh đạo cũng bày tỏ “hoàn toàn ủng hộ” một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó tán thành những giải pháp thực hiện theo thỏa thuận Minsk, theo Vietnamplus.


Quân đội Ukraine ngày 15/2 cho biết các lực lượng của họ đã bị tấn công tới 60 lần trong vài giờ đồng hồ kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Người phát ngôn của quân đội Ukraine Anatoliy Stelmakh nói rằng thị trấn chiến lược Debaltseve vẫn là nơi diễn ra nhiều vụ đụng độ nhất và lực lượng ly khai đã nã tên lửa Grad vào các cứ điểm của quân chính phủ đóng tại đó. Theo ông Stelmak, mặc dù các vụ nã đạn vẫn tiếp diễn xung quanh Debaltseve, nhưng nhìn chung mức độ giao tranh quanh khu vực xung đột này đã giảm đáng kể sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Trong khi đó, một người phát ngôn của phe ly khai đã cáo buộc binh lính chính phủ Kiev nã pháo vào các cứ điểm của lực lượng nổi dậy trong nỗ lực bất thành nhằm phá vỡ vòng vây quanh Debaltseve.


Ngày 15/2, nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Croatia, bà Kolinda Grabar-Kitarovic đã tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ trang trọng tại quảng trưởng Saint Marc ở thủ đô Zagreb. Trong diễn văn nhậm chức, bà Kolinda Grabar-Kitarovic cam kết làm hết khả năng để giúp đất nước vùng Ban-căng trở thành một quốc gia giàu có. Nữ chính trị gia này tuyên bố sẽ "khởi động" lại nền kinh tế và bày tỏ mong muốn mức sống của người dân Croatia sẽ sớm bắt kịp các thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU), theo Reuters.


Một vụ nổ súng đã xảy ra tại lễ hội hóa trang Rio de Jainero ở Brazil vào ngày 15/2 khiến 10 người bị thương. Theo đài phát thanh CBN của Brazil, khi đám đông đang tụ tập nhảy múa trong lễ hội thì một người đàn ông bất ngờ rút súng và nổ súng sau một cuộc tranh cãi. Hiện cảnh sát chưa đưa ra thông tin nào về vụ việc này. Lễ hội hóa trang Rio đã bắt đầu khai hội từ ngày 13/2 vừa qua. Đây là lễ hội hóa trang lớn nhất thế giới, với sự tham gia của hàng triệu người dân địa phương và du khách gần xa.


Ngày 15/2, nhà chức trách thành phố Braunschweig, miền Bắc nước Đức, đã phải hủy một lễ hội đường phố dự kiến được tổ chức cùng ngày vì mối đe dọa tấn công khủng bố. Theo thông báo của chính quyền thành phố Braunschweig, cơ quan an ninh đã nhận được nguồn tin đáng tin cậy về khả năng xảy ra tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm vào lễ hội carnival này. Cảnh sát địa phương đã khuyến cáo du khách tránh xa các tuyến phố mà lễ hội dự kiến đi qua và không nên đến thành phố này.


Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 tàu tuần tra Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát sáng 15/2, buộc họ phải cảnh báo các tàu này rời khỏi khu vực ngay lập tức. Theo kênh truyền hình NHK của Nhật Bản, đây là lần xâm nhập thứ 5 vào khu vực biển tranh chấp giữa 2 nước của tàu Trung Quốc kể từ đầu năm 2015. Cục quản lý Hải Dương Trung Quốc hôm 9/2 tuyên bố họ đã duy trì thường xuyên các tàu tuần tra trong vùng nước tranh chấp năm 2014 và sẽ tăng cường tuần tra trong năm 2015.


Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 15/2 đã tung ra một đoạn video trình chiếu cảnh hành quyết ít nhất 10 người Cơ đốc giáo gốc Ai Cập, những người mà lực lượng thánh chiến này tuyên bố bắt giữ được ở Libya. Trong khi đó, theo kênh truyền hình Sky News, số nạn nhân người Cơ đốc giáo gốc Ai Cập bị IS hành quyết được công bố trong đoạn băng hình trên lên tới 21 người. Đoạn băng hình được tung lên mạng Internet này cho thấy các con tin bị còng tay, mặc các bộ đồ màu da cam đã bị những kẻ mặc đồ đen chặt đầu tại một địa điểm ven bờ biển. Trước đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập xác nhận 20 người Ai Cập đã bị bắt cóc trong 2 vụ việc riêng rẽ ở nước láng giềng Libya.


Ít nhất 10 người đã thiệt mạng và 30 người bị thương trong một vụ đánh bom liều chết tại trạm xe buýt ở thủ phủ Damaturu, bang Yobe, Đông Bắc Nigeria, khu vực thường xuyên hứng chịu các vụ tấn công của phiến quân Hồi giáo Boko Haram. Cảnh sát trưởng bang Yobe, ông Marcos Danladi đã xác nhận vụ tấn công trên xảy ra vào hôm qua, 15/2, đồng thời cho biết kẻ đánh bom liều chết là nữ giới. Vụ tấn công liều chết diễn ra vào thời điểm tình hình an ninh tại Đông Bắc Nigieria diễn biến phức tạp do nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram mở rộng phạm vi đánh chiếm nhiều thành phố và thị trấn ở khu vực Đông Bắc Nigeria. Hiện vẫn chưa có nhóm nào nhận là chủ mưu của vụ tấn công, theo Vietnamplus.


Chỉ huy Căn cứ Không quân Khatam al-Anbiya của Iran, ông Farzad Esmaili ngày 15/2 cho biết nước này đang triển khai lắp đặt một hệ thống radar tầm xa. Theo ông Esmaili, hệ thống này có khả năng theo dõi các căn cứ của quân địch ở khoảng cách xa tới 3.000km. Việc lắp đặt đã hoàn thành 40% và sau khi quá trình này kết thúc, hệ thống radar trên sẽ giúp Iran triển khai “hoạt động phòng thủ có chiều sâu” và bảo vệ bầu trời của nước này trước các mối đe dọa. Theo báo cáo, hệ thống radar tầm xa này cũng có thể ngăn chặn được các loại tên lửa hành trình và đạn đạo.


Nước Pháp cuối cùng cũng đã tìm được đường xuất khẩu chiến đấu cơ Rafale sau khi kết thúc đàm phán việc bán 24 chiếc trong hợp đồng quân sự trị giá 5 tỷ Euro (5,7 tỷ USD) cho Ai Cập. Dự kiến lễ ký kết sẽ diễn ra vào hôm nay, 16/2 nhân chuyến thăm chính thức Ai Cập của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ngoài Rafale, trong khuôn khổ bản hợp đồng trên, Pháp cũng sẽ bán cho Ai Cập một chiếc khu trục đa nhiệm FREMM và một số tên lửa phòng không do Tập đoàn MBDA của nước này sản xuất. Pháp bắt đầu sản xuất Rafale từ năm 2000. Nó là biểu tượng của nước này, bởi chiếc tiêm kích được thiết kế, sản xuất hoàn toàn bằng kỹ thuật, công nghệ Pháp.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.