THẾ GIỚI 24H: EU hoãn lệnh trừng phạt mới đối với Nga

Cuộc họp các Ngoại trưởng EU liên quan tới Ukraine và bàn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga
Cuộc họp các Ngoại trưởng EU liên quan tới Ukraine và bàn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga
TPO - Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí hoãn thực thi các biện pháp trừng phạt cá nhân mới đối với Nga, và sẽ đánh giá lại vấn đề này một lần nữa vào ngày 16/2, sau khi kết thúc cuộc họp thượng đỉnh bốn bên về hòa bình Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 11/2 tới.  

Phát biểu với các phóng viên tại Brussels (Bỉ) hôm 9/2, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết EU vẫn bảo lưu khả năng trừng phạt, song việc thực thi sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán bốn bên (Nga, Đức, Pháp và Ukraine) tới đây. EU sẽ đánh giá lại vấn đề này một lần nữa vào ngày 16/2. Trước đó, ngày 29/1, Ngoại trưởng các nước thành viên EU đã nhất trí bổ sung 19 cá nhân, trong đó có 5 người Nga, vào danh sách cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, theo AP.


Lần đầu tiên giới chức Liên minh châu Âu (EU) xác nhận các lệnh trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục tác động tiêu cực tới các nước thành viên Liên minh. Phát biểu trong cuộc họp các ngoại trưởng EU tại Brussels (Bỉ) ngày 9/2, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo ước tính nền kinh tế EU đã thiệt hại hoảng 21 tỷ euro (tương đương 23,7 tỷ USD). Các ngành nông nghiệp và du lịch của Tây Ban Nha bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 


Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách chính sách láng giềng Johannes Hahn ngày 9/2 cho biết các nhà tài trợ quốc tế gồm có Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị tại Kiev vào tháng Tư tới nhằm huy động nguồn tài trợ ít nhất là 15 tỷ USD để giúp cứu Ukraine thoát khỏi tình trạng phá sản và tái thiết đất nước. Phát biểu với một nhóm nhỏ phóng viên, ông Hahn cho biết thời gian và các chi tiết của hội nghị trên trước hết phụ thuộc vào việc Chính phủ Ukraine đệ trình một bản danh sách đầy đủ về nhu cầu đầu tư, theo Vietnamplus.


Ngày 9/2, lực lượng an ninh Pháp đã phong tỏa một khu chung cư tại Marseille sau khi các tay súng đội mũ trùm đầu xả súng vào một chiếc xe cảnh sát. Vũ khí được những tay súng sử dụng là loại súng tiểu liên Kalashnikov. Theo một quan chức địa phương, dường như những kẻ tấn công có liên quan đến tội phạm ma túy. Cảnh sát sau đó đã tiến hành phong tỏa hiện trường, gần 7.000 người dân tại khu phố La Castellane(nơi xảy ra vụ nổ súng) được lệnh ở trong nhà, một nhà trẻ gần đó cũng được sơ tán. Lực lượng đặc nhiệm GIPN của Pháp cũng được điều đến Marseille. Vụ nổ súng xảy ra khi Thủ tướng Pháp Manuel Valls đang có chuyến viếng thăm đến thành phố Marseille và sự ám ảnh của các cuộc tấn công ở Paris tháng trước làm 17 người thiệt mạng vẫn còn hiện hữu, theo Reuters.


Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của NATO tại tỉnh Helmand, phía nam Afghanistan ngày 9/2 đã tiêu diệt Mullah Abdul Rauf, một cựu chỉ huy Taliban mới chuyển sang Nhà nước Hồi giáo (IS). Cảnh sát trưởng Nabi Jan Mullahkhel cho biết Rauf đang ngồi trong một chiếc xe hơi khi máy bay không người lái tấn công. Tronng số những người thiệt mạng còn có em rể của Rauf và 4 người Pakistan khác.  NATO xác nhận tiến hành vụ tấn công này. Truyền thông tháng trước đưa tin Rauf đã thề trung thành với IS và tuyển mộ cho nhóm này sau khi rời bỏ Taliban, theo BBC.


Phó Thủ tướng Iraq Saleh al-Mutlaq ngày 9/2 cho rằng những đóng góp của liên quân do Mỹ cầm đầu đang giúp Baghdad đẩy lui nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng chưa đủ để đối phó với mối đe dọa do những phần tử cực đoan này gây ra. Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin AP bên lề một hội nghị ở Dubai, ông al-Mutlaq nhấn mạnh liên minh do Mỹ cầm đầu "nên nghiêm túc hơn" trong cuộc chiến chống IS, đồng thời cho biết Iraq cần thêm các vũ khí hiện đại để đủ sức chiến đấu với nhóm thánh chiến này. Cũng theo ông al-Mutlaq, cần triển khai thêm các cuộc không kích chống IS - lực lượng hiện chiếm tới 1/3 lãnh thổ của cả Iraq và Syria.


Hàn Quốc ngày 9/2 tuyên bố sẽ có phản ứng cứng rắn trước sự khiêu khích có thể của Triều Tiên, nước vừa liên tiếp thử tên lửa tầm ngắn. Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lim Byeong-cheol khẳng định, Seoul sẽ giải quyết nghiêm khắc sự khiêu khích của Bình Nhưỡng trong khi giám sát chặt chẽ những thay đổi về tình hình và thái độ của nước láng giềng. Tuy nhiên, ông Lim nhấn mạnh, Seoul giữ vững lập trường sẽ nỗ lực xây dựng lòng tin thông qua hợp tác và đối thoại với Bình Nhưỡng. Những bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên bắn 5 tên lửa tầm ngắn, được cho là tên lửa chiến thuật, xuống vùng lãnh hải phía đông. 5 quả tên lửa này được phóng từ khu Wonsan ở phía Đông CHDCND Triều Tiên theo hướng đông bắc, theo Tân Hoa Xã.


Đơn vị tên lửa Uzhurski của Nga ngày 9/2 đã huy động 3.000 quân nhân tham gia cuộc kiểm tra đột xuất. Trong thời gian kiểm tra, đơn vị tên lửa Uzhurski đã huy động ba ngàn quân nhân", phát ngôn viên Lực lượng tên lửa chiến lược, Đại tá Igor Egorov cho biết: "Theo quyết định của Chỉ huy trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược, hôm nay nhóm kết hợp của lực lượng đã kiểm tra sự sẵn sàng chiến đấu của đơn vị tên lửa Uzhurski". Đây là đợt kiểm tra bất ngờ thứ hai trong năm 2015 của Lực lượng tên lửa chiến lược. Lần kiểm tra bất ngờ đầu tiên trong năm 2015 đã được tổ chức vào ngày 20/1. (Xem chi tiết)


Cuộc diễn tập quân sự đa quốc gia thường niên lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tên gọi “Hổ mang Vàng” đã bắt đầu diễn ra tại Thái Lan từ ngày 9/2. Cuộc tập trận lần này có sự tham gia của các lực lượng vũ trang các nước Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore cùng với một số nước quan sát viên. Năm nay, lần đầu tiên sẽ có sự tham dự của Ấn Độ trong khi Trung Quốc sẽ tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo, theo Kyodo.


Ngày 9/2, em bé bị hội chứng Down được sinh ra nhờ phương pháp mang thai hộ tại Thái Lan, Gammy, đã được cấp quốc tịch Australia. Gammy, 1 tuổi, được sinh ra bởi Pattaramon Chanbua - một phụ nữ Thái Lan mang thai hộ. Bố mẹ đẻ của Gammy là cặp vợ chồng người Australia, tuy nhiên họ đã từ chối đưa Gammy về nước nuôi dưỡng sau khi được sinh ra vì em mắc hội chứng Down và bệnh tim bẩm sinh. Chị Pattaramon hy vọng Gammy sẽ nhận được nhiều quyền lợi hơn trong tương lai khi có quốc tịch Australia.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG