THẾ GIỚI 24H: Mỹ thận trọng trước kết quả đàm phán Minsk

Tổng thống Nga (trái) và Tổng thống Ukraine vừa tham gia cuộc đàm phán kéo dài 16 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, Mỹ đón nhận kết quả một cách thận trọng
Tổng thống Nga (trái) và Tổng thống Ukraine vừa tham gia cuộc đàm phán kéo dài 16 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, Mỹ đón nhận kết quả một cách thận trọng
TPO - Mỹ hoan ngênh một cách thận trọng thỏa thuận ngừng bắn vừa được dàn xếp nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài suốt 10 tháng qua giữa Ukraine với lực lượng ly khai tại Miền Đông, song nhấn mạnh thỏa thuận này phải được thực thi và tôn trọng.

Trong một tuyên bố ngày 12/2, Nhà Trắng khẳng định: “Thỏa thuận này là bước tiến đáng kể có khả năng hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và khôi phục chủ quyền của Ukraine”. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh, Nga phải “ngừng tiếp tay cho lực lượng ly khai và rút binh lính cũng như thiết bị quân sự của mình ra khỏi miền Đông Ukraine”. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo sẽ rất khó để đạt được thành công với thỏa thuận hòa bình mới giữa Kiev và lực lượng ly khai, theo Vietnamplus.


Ngày 12/2, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố cuộc đàm phán của Nhóm Tiếp xúc (Ukraine, Nga, Pháp và Đức) ở thủ đô Minsk (Belarus) không bao gồm bất cứ thỏa thuận nào liên quan quyền tự trị cho các vùng lãnh thổ do quân ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Trước đó, người đứng đầu nhà nước Ukraine cho biết, các bên tham gia đàm phán ở Minsk đã nhất trí trong vòng 14 ngày sẽ rút các loại vũ khí hạng nặng khỏi đường ranh giới được vạch ra hồi tháng 9/2014 và giúp Ukraine giành lại quyền kiểm soát khu vực biên giới với Nga, theo RIA Novosti.


Ukraine và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ về gói cứu trợ trị giá 17,5 tỉ USD. Đây được xem là thỏa thuận mang tính “bước ngoặt” cho Ukraine, cung cấp phương tiện để quốc gia Đông Âu tiến hành những cải cách quan trọng. Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde ngày 12/2 cho biết, Chính phủ Ukraine cam kết sẽ thực hiện một chương trình cải cách kinh tế triệt để theo gói hỗ trợ 17,5 tỉ USD. Số tiền sẽ chuyển đến Kiev trong vòng 4 năm, theo Reuters.


Đại tá Igor Egorov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga về Lực lượng Tên lửa chiến lược Liên bang Nga ngày 12/2 cho biết, tất cả các đơn vị của Lực lượng đã tham gia cuộc tập trận tên lửa phức tạp, quy mô lớn trên 12 khu vực của Liên bang. Theo lời Đại tá Igor Egorov, hơn 30 trung đoàn tên lửa đã đồng loạt tham gia vào cuộc trận này. Đây là động thái mới tiếp theo từ Moscow cho thấy sự tăng cường quy mô và mật độ tập trận của các đơn vị vũ khí chiến lược theo học thuyết quân sự mới của Nga. (Xem chi tiết)


Bình Nhưỡng vừa gửi cảnh báo mạnh mẽ rằng, Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu "kết cục đau khổ nhất" nếu nước này bắt tay với Mỹ âm mưu phát động chiến tranh xâm lược Triều Tiên. "Các quan chức Hàn Quốc sẽ không thể tránh khỏi kết cục đau khổ nhất nếu họ quyết bắt tay với Mỹ chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên", hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên. Tuyên bố cảnh báo trên của Triều Tiên được đưa ra sau một loạt các vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên cuối tuần trước, phản ánh sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trước thềm Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn vào tháng tới.


Ngày 12/2, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tuyên bố quân đội kiểm soát cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đến mức bà muốn “ăn mì cũng phải được phép”. Ông Prayut cũng xác nhận đã ra lệnh cho binh sĩ quân đội khám xét đoàn xe chở bà Yingluck tới dự một buổi lễ của gia tộc ở thành phố Chiangmai hồi đầu tuần. Ngày hôm sau, báo chí đăng ảnh bà ăn mì tại đây.


Một quan chức chính phủ Yemen ngày 12/2 cho biết, các tay súng Al-Qaeda đã xông vào một doanh trại quân đội Yemen ở miền Nam nước này và giết hại ít nhất 7 người. Các tay súng đã chiếm giữ căn cứ của Lữ đoàn Bộ binh số 19 tại Baihan, một thị trấn ở tỉnh miền Nam Shabwa và trong số những người thiệt mạng có 3 binh sĩ. Vụ tấn công xảy ra chỉ một ngày sau khi Mỹ, Anh và Pháp thông báo đóng cửa đại sứ quán tại Sanaa, do lo ngại tình hình an ninh sau khi các tay súng Houthi tiếm quyền tại Yemen.


Mỹ đã phóng thành công vệ tinh theo dõi thời tiết không gian DSCOVR, có nhiệm vụ cảnh báo bão mặt trời và ghi lại hình ảnh Trái đất từ không gian. Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo vệ tinh DSCOVR rời bệ phóng lúc 18 giờ 3 phút ngày 11/2 (giờ địa phương) tại căn cứ không quân ở Cape Canaveral, bang Florida, đông nam nước Mỹ. Sau khi được phóng lên vũ trụ, vệ tinh DSCOVR sẽ mất khoảng 110 ngày để đi vào quỹ đạo quanh mặt trời, cách Trái đất hơn 1,6 triệu km. DSCOVR có thể đưa ra cảnh báo sớm 1 giờ, trước khi bão mặt trời có thể đe dọa đến Trái đất.


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các quan chức chính phủ đã gây thêm sức ép yêu cầu các doanh nghiệp nước này tăng lương để duy trì đà tăng trưởng bền vững trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang nỗ lực thoát khỏi tình trạng suy thoái bắt nguồn từ đợt tăng thuế tiêu dùng hồi năm 2014. Tăng lương là nhân tố chủ chốt của mục tiêu chiến lược mà Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đạt được nhằm tạo ra một chu kỳ lợi nhuận doanh nghiệp, lương, tiêu dùng và đầu tư ở mức độ cao hơn nhằm chấn hưng nền kinh tế trong nước, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng ì ạch và giảm phát kéo dài hai thập niên qua, theo Vietnamplus.


Trong phiên giao dịch chiều ngày 12/2, trên thị trường châu Á, giá vàng quay đầu tăng sau khi rơi xuống mức “đáy” của năm tuần do những diễn biến phức tạp xung quanh vấn đề nợ của Hy Lạp đang chi phối các thị trường. Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, vào lúc 14 giờ 45 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên mức 1.222,30 USD/ounce, sau khi giảm xuống 1.216,45 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 9/1.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.