Rạng sáng 10/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài gần 13 tiếng tại Geneva (Thụy Sĩ). Hai bên nhất trí về một kế hoạch ngừng bắn tại Syria và thiết lập cơ sở cho tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Lệnh ngừng bắn dự kiến có hiệu lực từ 00 giờ ngày 12/9 – đúng ngày đầu tiên kỳ nghỉ lễ Eid của người Hồi giáo. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria, ông Staffan de Mistur đánh giá thỏa thuận này đã mở ra khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời nhấn mạnh Nga và Mỹ đã sẵn sàng hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố al-Nusra và IS.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tiến hành điện đàm để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria. Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, đặc biệt tại tỉnh Aleppo trước dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.
Rạng sáng 10/9 theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) bắt đầu phiên họp kín khẩn cấp để thảo luận về vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên cũng như xem xét liệu có gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng hay không. Chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 9, Đại sứ New Zealand tại LHQ Gerard van Bohemen cho rằng Triều Tiên đã vi phạm thô bạo các nghị quyết của HĐBA và tạo ra mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình thế giới. Các nước thành viên của hội đồng sẽ lập tức khởi động quá trình soạn thảo một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.
Facebook đang hứng chịu cơn thịnh nộ ở Na Uy khi tờ báo hàng đầu nước này và nhiều người dùng chỉ trích hành động kiểm duyệt bức ảnh biểu tượng cho sự tàn khốc của chiến tranh ở Việt Nam. Theo đó, bức ảnh chụp cô bé Việt Nam bị bom napalm đốt cháy hết quần áo và đang chạy khỏi vụ tấn công năm 1972 của phóng viên ảnh Nick Ut làm việc cho hãng tin AP đã giành giải thưởng Pulitzer, đã bị Facebook xóa khỏi các trang của người dùng, trong đó có trang của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg. (XEM CHI TIẾT)
Thổ Nhĩ Kỳ vừa bắt giữ hàng chục doanh nhân, học giả, đồng thời ra lệnh bắt giữ khoảng 50 sĩ quan quân đội bị nghi ngờ có liên hệ với giáo sĩ Gulen.
Ảnh: Reuters
Ngoài ra, các công tố viên ở Istanbul cũng vừa ban hành lệnh tạm giam đối với sáu tướng lĩnh quân đội, 43 sĩ quan cùng một số thường dân trong một chiến dịch do cảnh sát phát động trên khắp 15 tỉnh. Các đối tượng vừa bị bắt giữ nói trên đã nâng tổng số người bị bắt giữ như một phần trong cuộc thanh trừng sau cuộc đảo chính ngày 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ lên tới hàng chục nghìn người. Cho tới nay, có gần 43.000 công chức bị sa thải.
Ngày 9/9, hai vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại một trung tâm mua sắm ở phía Đông thủ đô Baghdad của Iraq, khiến 12 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương. Khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận thực hiện vụ đánh bom kép này. Hai quả bom phát nổ tại cửa ra vào và bãi đỗ xe của khu mua sắm. Một đoạn video chưa được xác minh trên mạng xã hội Facebook quay cảnh 4 đám cháy, trong đó có 2 chiếc xe hơi bị chìm trong lửa, ngay dưới chân một cầu vượt cao tốc gần khu mua sắm trên.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tổ chức khủng bố IS đã tấn công một xe tăng của nước này ở miền Bắc Syria, khiến 3 binh sỹ thiệt mạng và một người khác bị thương. Vụ tấn công trên diễn ra sau khi 3 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ khác cũng thiệt mạng sau khi bị IS tấn công bằng rocket trong tuần qua. Cũng trong ngày 9/9, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công và phá hủy 4 tòa nhà của IS.
Trong khi nhà chức trách Tunisia từng khẳng định đã tiêu diệt được nhóm khủng bố Okba Ibn Nafi, bị coi là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với nước này, bất ngờ nhóm khủng bố này lại đưa ra những cảnh báo mới sẽ thực hiện các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại đây.
Trên tài khoản Twitter, mạng lưới thánh chiến cực đoan Okba Ibn Nafi tiếp tục đưa ra những đe dọa khủng bố đẫm máu nhằm vào Tunisia. An ninh Tunisia cũng zác nhận nhóm khủng bố chuyên thực hiện các vụ tấn công đẫm máu nhất Tunisia này đã hoạt động trở lại.
Theo báo cáo "Thiệt hại do ô nhiễm không khí" của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng nghìn tỷ USD trong năm 2013. Báo cáo cho biết trong năm 2013 có khoảng 5,5 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, dẫn đến tổn hại nguồn lực lao động và làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế. Tình trạng này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 225 tỷ USD từ tổn thất về thu nhập của người lao động và hơn 5.000 tỷ USD từ thiệt hại phúc lợi xã hội.