THẾ GIỚI 24H: NATO không muốn can thiệp vào xung đột ở Ukraine

Ukraine không phải là một thành viên NATO, nên có nhiều điểm khác biệt trong cách đối xử của khối đồng minh
Ukraine không phải là một thành viên NATO, nên có nhiều điểm khác biệt trong cách đối xử của khối đồng minh
TPO - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, NATO không có ý định can thiệp vào cuộc xung đột ở phía Đông Nam của Ukraine, bởi đất nước Đông Âu này không thuộc phạm vi đảm trách của Liên minh.

“Ukraine không phải là một thành viên của NATO, và đó chính là sự khác biệt”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News hôm 14/3.

Ngoài ra, ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng, NATO có trách nhiệm bảo vệ các đồng minh của mình trước các cuộc tấn công, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại “không quốc gia nào trong số các đồng minh NATO bị tấn công”.

Tổng thư  ký NATO khẳng định việc ủng hộ mạnh mẽ đối với chính quyền Ukraine, cũng như “không chấp nhận sự can thiệp của Moscow vào Kiev”, nhưng “điều quan trọng nhất hiện nay, chính là việc tuân thủ các thỏa thuận Minsk”, theo Lenta.


Ngày 14/3, Nga đã lên án việc các nghị sĩ châu Âu chỉ trích vụ sát hại thủ lĩnh đối lập, cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov, cho rằng động thái này đang phương hại đến những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, hôm 12/3, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết chỉ trích chính quyền Tổng thống Vladimir Putin trong vụ ông Nemtsov bị sát hại cách đây 2 tuần. Cơ quan này cũng kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về vụ sát hại ông Nemtsov, đồng thời cáo buộc Nga không hợp tác trong cuộc điều tra vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Lukashevich trong một tuyên bố, nêu rõ nghị quyết trên "rõ ràng là những lời bịa đặt và suy diễn. Ông Lukashevich nhấn mạnh rằng nghị quyết này "làm tổn hại trực tiếp tới những nỗ lực bình thường hóa tình hình tại châu Âu".


CHDCND Triều Tiên hôm 14/3 lại lên án Mỹ về các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và thề sẽ có những đòn trả đũa khắc nghiệt nhất. “Các cuộc diễn tập chung Key Resolve và Foal Eagle được sử dụng như một phương tiện quân sự nhằm thực hiện chính sách thù địch xấu xa chống CHDCND Triều Tiên”, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, viết trong một bài xã luận.

Tờ báo trên lập lại cáo buộc lâu nay rằng các cuộc diễn tập trên nhằm “bóp nghẹt đất nước và lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa kiểu Triều Tiên, thậm chí bằng cách tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân”, điều mà bài xã luận khẳng định “không phải là trò chơi”.

Trước đó, Seoul và Washington hôm 2/3 đã bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên, bao gồm cuộc diễn tập chốt chỉ huy mang tên Key Resolve (Quyết tâm then chốt) và cuộc diễn tập huấn luyện thực địa mang tên Foal Eagle (Đại bàng non) nhằm cải thiện năng lực tác chiến, ngăn chặn những mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Key Resolve đã kết thúc hôm 13/3, còn Foal Eagle sẽ kéo dài đến ngày 24/4.


Báo Guardian 14/3 cho biết Cơ quan An ninh nội địa và chống khủng bố Anh (MI5) gửi thư chiêu mộ đến tận các trường đại học, quảng cáo trên mạng. Sự chuyển đổi trên bàn cờ quan hệ quốc tế buộc các cơ quan tình báo cũng phải thích ứng.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond hồi đầu tuần chỉ trích thái độ “hung hăng” của Nga là mối đe dọa lớn đối với Anh và cho biết “tất cả các cơ quan một lần nữa đang tuyển dụng người nói tiếng Nga”.

Nhưng đây không phải là tin mới đối với các sinh viên tiếng Nga tại Đại học Cambridge. Khoảng một tuần trước bài phát biểu của ông Hammond, họ nhận được một bức thư mời hấp dẫn in hình những con búp bê Nga và dòng chữ đầy ẩn ý rằng “Ý tưởng và khái niệm nằm trong các tầng lớp ngôn ngữ”.

Bức thư, gửi từ MI5, MI6 và Cơ quan Tình báo thông tin Anh (GCHQ), cũng đề nghị mức lương 30.000 bảng Anh/năm cho các sinh viên mới ra trường muốn “giúp bảo vệ an ninh quốc gia”.


Phát biểu tại một sự kiện do Hội đồng Đối ngoại Mỹ tổ chức ngày 14/3, Giám đốc CIA John Brennan khẳng định Mỹ có lý do để lo ngại về việc ai sẽ thay thế Tổng thống Syria Bashar al-Assad nếu chính thể của ông này sụp đổ trong bối cảnh IS và nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan khác tại đây đang trỗi dậy. 

“Tôi nghĩ đây là một mối lo ngại hoàn toàn hợp lý”, ông Brennan tuyên bố và cho biết IS và al-Qaeda đã trỗi dậy tại nhiều khu vực ở Syria và khẳng định: “Điều cuối cùng mà chúng tôi mong đợi là chúng tiến thẳng đến thủ đô Damascus”. “Đó là lý do tại sao chúng tôi cần phải ủng hộ lực lượng đối lập ôn hòa tại Syria”, ông Brennan chia sẻ.


Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled al-Obeidi ngày 14/3 tuyên bố, các lực lượng vũ trang Iraq với sự hỗ trợ của lực lượng dân quân Sunni và Shiite đã thiết lập hoàn toàn sự kiểm soát thành phố Tikrit ở bắc Iraq. Cuộc tấn công quy mô lớn chống những kẻ khủng bố IS bao vây tỉnh Saladin với thủ đô là Tikrit, đã bắt đầu ngày 10 tháng 3.

Tham gia hoạt động của quân đội thường trực Iraq có pháo binh, xe tăng và máy bay, cũng như lực lượng dân quân và tình nguyện viên. Tikrit là thành trì quan trọng của các chiến binh nhóm khủng bố IS để tiến vào Baghdad, cũng như chiến truyến ngăn không cho các lực lượng vũ trang Iraq tấn công vào Mosul, thành phố lớn bị những kẻ khủng bố chiếm giữ.


Theo các quan chức Iraq, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã dùng bom khí clo trong các cuộc tấn công mà lực lượng này tiến hành từ năm ngoái đến nay. Đội phá bom Iraq cho biết, họ đã vô hiệu hóa nhiều quả bom chứa khí clo của nhóm khủng bố IS. Mục đích chính của khủng bố IS khi sử dụng loại vũ khí này nhằm gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Vào tháng 10/2014, các quan chức người Kurd và các bác sĩ cho biết, họ tin rằng khí độc đã phát ra từ một huyện phía Đông của Kobani. Clo là loại khí độc, nếu một người tiếp xúc với một lượng lớn khí này có thể phát sinh những triệu chứng như cảm giác nóng rát ở mắt, mũi, cổ họng và khó thở cũng như buồn nôn, ói mửa, nặng hơn có thể gây tử vong.


Bộ Quốc phòng Serbia ngày 14/3 xác nhận một trực thăng vận tải Mi-17 rơi xuống gần sân bay chính ở Thủ đô Belgrade, khiến 7 người thiệt mạng. Sau khi tiến hành khám xét hiện trường, các nhà chức trách cho hay, không một ai sống sót trong vụ rơi máy bay trực thăng trên.

Trực thăng vận tải Mi-17 đã rơi vào tối ngày 13/3 gần Sân bay Nikola Tesla, cách Thủ đô Belgrade 20 Km theo hướng tây. Theo Bộ Quốc phòng Serbia, trực thăng trên được cử tới thị trấn miền nam Novi Pazar để chuyển một em bé sơ sinh tới cơ sở y tế ở thủ đô.

Các phương tiện truyền thông địa phương trước đó cùng ngày đưa tin rằng, 4 thành viên phi hành đoàn, 2 bác sĩ cùng 1 em bé sơ sinh có mặt trên máy bay trực thăng gặp nạn trên.


Các nhân viên cứu hộ Myanmar đang gấp rút tìm kiếm những người sống sót sau khi một chiếc phà chở quá tải bị chìm tối 13/3. 34 thi thể đã được tìm thấy trong khi hàng chục người còn mất tích. Thông tin được truyền hình nhà nước Myanmar đăng tải. Theo đó, vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên phà có 216 hành khách. Các lực lượng cứu hộ đã vớt được 34 thi thể.


Hãng thông tấn AFP ngày 14/3 dẫn lời một sỹ quan cảnh sát địa phương cho biết, chiếc phà Aung Takon 3 bị chìm tối muộn ngày thứ Sáu, sau khi rời thị trấn Kyaukphyu để tới Sittwe thuộc bang Rakhine. Nguồn tin này cho biết thêm, tổng cộng 167 người đã được giải cứu và không có người nước ngoài nào được tin là đã lên phà. “Chúng tôi nghi ngờ chiếc phà bị chìm do chở hàng hóa quá tải”, vị cảnh sát cho biết thêm. Nguồn tin từ chính phủ Myanmar cho biết phà đã gặp sóng lớn.


Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman ngày 14/3 cho biết Malaysia sẽ cân nhắc thực hiện đề xuất thiết lập Múi giờ chung ASEAN trong năm đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2015.

Nội dung trên cũng đã được Thủ tướng Malaysia Najib Razak đề cập tới trong cuộc hội đàm cùng ngày tại thành phố Putrajaya với Tổng thống Myanmar Thein Sein, đang có chuyến thăm chính thức Malaysia. Ngoại trưởng Anifah Aman cho biết Múi giờ chung ASEAN có thể là mục tiêu của Malaysia trong năm Chủ tịch 2015.

Lợi ích của việc thiết lập múi giờ chung cho khu vực là thúc đẩy thương mại và hợp tác liên chính phủ giữa các nước ASEAN nói riêng và các nước khác ở châu Á nói chung. Một múi giờ chung cho phép các bên có thêm thời gian trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động của thị trường cổ phiếu, tăng cường hệ thống điều hành bay và cải thiện mạng lưới kinh doanh và ngân hàng trong khu vực châu Á.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.