Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. |
Tờ Jerusalem Post trích dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide cho biết nếu lệnh bắt giữ được ban hành, Oslo có nghĩa vụ phải thực thi và sẽ bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nếu họ đến lãnh thổ Na Uy. Ông Eide nói thêm rằng điều tương tự cũng áp dụng với ba quan chức cấp cao của Hamas - Yahya Sinwar, Mohammed Deif và Ismail Haniyeh - những người mà ICC đã đề xuất lệnh bắt giữ. Trước đó, hôm 20/5, Trưởng Công tố Karim Khan của Tòa án Hình sự Quốc tế thông báo đang xin lệnh bắt Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 3 thủ lĩnh Hamas.
Trung Quốc trừng phạt 12 công ty quốc phòng Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với 12 công ty thuộc tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin, Raytheon và General Dynamics của Mỹ, cùng các giám đốc điều hành cấp cao của những công ty này.
Lực lượng Israel tiến sâu vào thành phố Rafah, hạ nhân vật quan trọng của Hamas. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) trong ngày 22/5 đã tiếp tục áp sát những quận đông dân cư tại trung tâm thành phố Rafah. Theo lời kể từ người dân thành phố Rafah, các xe tăng Israel đã giành kiểm soát nhiều vị trí mới nằm dọc theo hàng rào biên giới phía nam giữa thành phố Rafah thuộc Dải Gaza với Ai Cập, và đang đóng quân tại rìa quận Yibna ở trung tâm Rafah. IDF tuyên bố, Ahmed Yasser Alkara, một nhân vật thuộc lực lượng chống tăng của Hamas có liên quan tới vụ tấn công hôm 7/10, đã bị tiêu diệt. Hamas tới nay chưa bình luận về nội dung bản thông cáo của IDF.
Tàu chiến Mỹ, Hà Lan hoạt động song phương ở Biển Đông. Hải quân Mỹ và Hà Lan tiến hành các hoạt động song phương ở Biển Đông nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa các đồng minh. Theo thông báo của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ cử tàu chiến USS Mobile thuộc lớp tàu tác chiến ven bờ Independence và tàu chở hàng USNS Wally Schirra tham gia hoạt động trên. Phía Hải quân Hoàng gia Hà Lan điều tàu khu trục HNLMS Tromp tham gia.
Romania nêu điều kiện cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine. Phát biểu trước truyền thông ngày 22/5, Tổng thống Romania Klaus Iohannis cho biết, vấn đề cung cấp hệ thống Patriot của Romania cho Ukraine cần được thảo luận với các chuyên gia quân sự và phải được phê duyệt của Hội đồng Quốc phòng Tối cao. Nhà lãnh đạo Romania nhấn mạnh, đó là một quá trình phức tạp liên quan đến một loạt vấn đề hậu cần và pháp lý. Romania chưa sẵn sàng cung cấp hệ thống này cho Ukraine và việc thảo luận công khai về vấn đề cụ thể này là không cần thiết.
Nga - Trung tăng cường hợp tác định vị toàn cầu. Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Trung Quốc, Bắc Kinh và Moscow nhất trí tăng cường hợp tác ứng dụng Bắc Đẩu và GLONASS, một phần trong nỗ lực củng cố quan hệ đối tác thám hiểm vũ trụ, chẳng hạn như xây dựng phòng nghiên cứu quốc tế trên Mặt trăng.
Nga bác cáo buộc của Mỹ về vũ khí chống vệ tinh. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22/5 đã đưa ra lời khẳng định Nga không vi phạm luật pháp quốc tế dưới mọi hình thức, nhằm bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga đã đưa vào không gian một loại vũ khí chống vệ tinh. Trong tuyên bố, ông Peskov nêu rõ: "Nga đang hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và không vi phạm bất cứ điều gì."
Ông Hun Sen đề nghị một số nước nhận lỗi khi công nhận và ủng hộ Khmer Đỏ. Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Hun Sen vừa đề nghị soạn thảo luật trừng phạt những người phủ nhận chế độ diệt chủng tại Campuchia và đề nghị một số nước nên thừa nhận tội lỗi của mình khi công nhận và ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ông cũng cho biết đã phải đợi 43 năm để đòi lại công bằng cho người dân Campuchia.
Ba nước Châu Âu tuyên bố công nhận nhà nước Palestine. Ba nước Châu Âu là Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha hôm 22/5 tuyên bố sẽ chính thức công nhận một nhà nước Palestine từ ngày 28/5. Tây Ban Nha và Ireland cho biết quyết định này không chống lại Israel hay ủng hộ Hamas mà là ủng hộ hòa bình. Israel phản ứng giận dữ, cảnh báo động thái này sẽ đồng nghĩa với bất ổn hơn trong khu vực và triệu hồi đại sứ cả ba nước.
Hàn Quốc, Nhật Bản thảo luận về hội nghị thượng đỉnh ba bên với Trung Quốc. Theo hãng tin Yonhap, ngày 22/5, Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa, trong đó hai bên thảo luận về hội nghị thượng đỉnh ba bên sắp tới với Trung Quốc và các vấn đề cùng quan tâm. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ trong cuộc điện đàm kéo dài 35 phút, ông Cho Tae-yul bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ là động lực để Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục phát triển quan hệ song phương.