“Không được lùi!”
Một tuần tiếp tục những cuộc quần thảo giữa các tàu của hai bên. Bọt sóng Hoàng Sa tung trắng xóa dữ dội theo những đuôi tàu. Đã tốn biết bao giấy mực, công sức của ta cũng như truyền thông quốc tế về cái giàn sắt khổng lồ và lỳ lợm này.
Những lần tiếp cận thật gần, tôi cố nhìn thật sâu vào nó bằng mắt thường, như mọi đôi mắt bình thường của người dân Việt Nam. Để nghĩ ngợi thật nhiều điều. Ban ngày trông nó đen đủi mang dáng của một thằng người dạng chân đứng sững với đôi vai to bè, thô kệch.
Như một kẻ đần độn, vô tri. Vây xung quanh đứa to xác ấy là một lũ lâu la gồm từng lớp tàu quân sự, tàu tên lửa, quét mìn, hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu đầu kéo…, lúc này cũng ra vẻ sừng sộ, hùng hổ.
Thường có mặt trên buồng lái tàu CSB 4033, tôi vẫn nghe tiếng lũ lâu la ấy nói chuyện như với chính mình. Ấy là mỗi khi tàu ta tăng tốc tiến áp sát vào khu vực giàn khoan làm nhiệm vụ, thì lập tức trên loa bắt được sóng tàu Trung Quốc ậm ọe phát ra lời dậm dọa bằng hai thứ tiếng Trung và Việt.
Đại loại “các tàu Việt Nam chú ý, đây là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Yêu cầu rời khỏi ngay lập tức, nếu không mọi hậu quả các anh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Tuy nhiên, vẻ “lịch sự” ấy không giữ được bao lâu. Khọt khẹt trên loa nhiều lần văng ra thứ ngôn ngữ cục súc: “Tàu 4033, muốn làm gì đó? Muốn chết à ?!”.
Thuyền trưởng Lê Trung Thành - tàu CSB 4003 - ngoài cùng bên trái cùng đồng đội tiến vào khu vực giàn khoan. ảnh: Trần Tuấn
Thuyền trưởng trẻ 4033 Lê Trung Thành có lẽ quá nhàm với kiểu dọa nạt “đầu gấu” đó, vẫn tỉnh bơ kể nốt câu chuyện tiếu lâm, rồi nghêu ngao đọc mấy câu thơ trong sách giảng văn. (Lúc này ngồi trên tàu 8003 viết đến dòng này, sực nhớ anh chàng thuyền trưởng 31 tuổi quê miền biển Đức Phổ - Quảng Ngãi là dân rất “chịu” đọc sách.
Anh chàng còn đang “nợ” hai cuốn sách tôi mang theo từ nhà để đọc, anh mượn đọc đến khi chuyển sang tàu khác tôi quên chưa kịp “đòi”!). Dù ai cũng biết chỉ ít phút nữa thôi, mặt biển Hoàng Sa đang lặng tờ xanh thẫm kia sẽ lại cuồn cuộn tung bọt trắng xóa trong cuộc quần thảo dữ dội với các tàu hùng hục húc tới của Trung Quốc. “Nó chăm sóc mình kỹ lắm, mình chỉ hơi nhích tới một chút là nó đọc loa cảnh cáo, hăm dọa, rồi xông tới “chiến” ngay với mình” - Thành nói.
Sau mới hay chuyện là thế này. Rằng tàu 4033 của Vùng CSB 2 khi làm nhiệm vụ thường chở theo các phóng viên, nhất là phóng viên nước ngoài. Tàu luôn tìm cách tiếp cận gần nhất giàn khoan 981 cho báo chí lấy được những hình ảnh, thước phim làm bằng chúng về sự ngang ngược của Trung Quốc.
Như “trận” trưa ngày Chủ nhật (15/6), tàu 4033 chạy quần nhau với tốc độ rất cao với các tàu Trung Quốc. Biển tung bọt trắng xóa cao tới vài mét, trong tiếng gầm rú động cơ, tiếng còi hú, tiếng loa… Sau cả tiếng đồng hồ, cuối cùng tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 32101 đành bỏ cuộc.
Những ngày đầu ở Hoàng Sa, có lúc Trung Quốc huy động vài chục tàu các loại lao vào xé lẻ đội hình tàu thực thi pháp luật của ta. Cứ mấy tàu vây hãm lấy một tàu ta, điên cuồng đâm phá, bắn vòi rồng… Tình huống bốn phía đều nóng bỏng, khốc liệt, ống kính các phóng viên cũng “rối” không biết hướng vào đâu. Mệnh lệnh của cấp trên: “Không được lùi!”.
Thế là CSB 4033 cùng đồng đội liên tục tìm cách phá vây để rồi lại dũng mãnh tiến lên phía trước. “Không được lùi!”, thật khó thể nào quên mệnh lệnh sắt ấy giữa Hoàng Sa trong những thời khắc khốc liệt nhất…
Tôi xuống tàu giữa lúc trời đang giông gió, biển động mạnh bởi trận áp thấp đầu mùa trên biển Đông tại khu vực Hoàng Sa. Mọi tưởng tượng cũng như kỹ năng đề phòng sóng gió từ những đồng nghiệp đi trước bày vẽ đều không mấy hiệu nghiệm.
Trong người lúc nào cũng giắt kè kè mấy túi nôn. Hai ngày hai đêm trên tàu CSB 2016 dạng “thấp bé nhẹ cân” hành trình ra biển, hai chục phóng viên trong và ngoài nước ai nấy lử lả, bỏ cơm nằm yên thả tự do theo nhịp trôi lắc của tàu. Mãi rồi mưa cũng ngớt, sóng gió cũng đằm. Mây mù tan ra, rồi cũng đến lượt trăng. Mới nhớ ra lúc xuất bến đúng ngày rằm.
Trăng theo tôi từ tàu 2016, sang 4032, rồi 4033, sau đó lên CSB 8003. Bốn lần chuyển tàu chỉ chưa đầy một tuần, để được bám mọi cánh quân trong những đội hình khác nhau. Những đêm bên mạn tàu, tôi ngồi nhìn trăng đổ xòa trên biển thứ bột vàng lóng lánh. Đại dương doãng ra rồi co lại duềnh doàng. Sự lãng mạn có cần thiết không, ở nơi này, trong những ngày này?
Như một sáng trên tàu CSB 4032. Tàu khi ấy đang cơ động vào tiếp cận giàn khoan, đã vào được dưới 8 hải lý. Tôi chợt để ý thấy một con bướm cánh màu trắng nhạt bay đậu dập dờn trên mặt boong sau. Dưới biển, bọt trắng xóa bắn tung cả lên mạn tàu. Một chốc sau, cánh bướm tí hon chập chững bay hẳn ra ngoài mặt biển.
Thoáng lo, không biết nó có quay về lại với tàu được không? Cánh bướm mỏng làm sao chọi được với đại dương vợi thẳm? Tối đến đem câu chuyện về con bướm kể lại với Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt – Hải đội trưởng Hải đội 201 (Vùng Cảnh sát biển 2) và thuyền trưởng Vũ Trọng Huân.
Và thắc mắc không biết có phải nó theo tàu từ bờ, những ngày giông bão nấp trong đống bạt, nay nắng ráo đẹp trời mới bay ra? Anh Đạt, và Huân bảo chắc là vậy. Chứ có cánh bướm nào bay ra được tới nơi này đâu. Lẩn thẩn nghĩ về con bướm ấy mất mấy ngày. Rồi lại nghĩ sang chuyện con người, tình người. Ngồi với Đại tá Lưu Tiến Thắng - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh CSB VN trên tàu 8003, nghe ông hồi tưởng lại những chuyến tuần tra chung với các tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc trên vịnh Bắc bộ, trong khuôn khổ Hiệp định nghề cá giữa ta và Trung Quốc tại khu vực này.
Mà chuyến đi cùng nhau gần nhất cũng mới trung tuần tháng Tư đây thôi. Chuyện này cũng đã có phóng viên viết rồi. Nhưng tôi nghe ra vẻ buồn gì đó sâu xa hơn từ sau tiếng thở dài của ông. Câu chuyện với Đại tá Thắng vừa dứt lúc trưa, thì ngay đầu giờ chiều 18/6, “người bạn” của tàu CSB 8003 lù lù xuất hiện cách bên mạn trái chỉ chừng đôi trăm mét. Đó là tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3210 sơn màu trắng to lớn dềnh dàng.
Cùng với CSB 8003, thì tàu hải cảnh 3210 là những “kỳ hạm” (tàu chỉ huy) của hai bên trong những chuyến tuần tra chung nghề cá. Đôi tàu từng nhiều lần cập mạn bước sang với nhau để giao lưu hữu nghị. Nhưng giờ, giữa Hoàng Sa, câu chuyện đã khác hoàn toàn. Hải cảnh 3210 được phân công kèm chặt CSB 8003 từ những ngày đầu Hoàng Sa đến nay.
Có điều, trong những tình huống đối đầu, có vẻ nó ít tỏ ra thực sự hung hãn như những tàu khác của Trung Quốc. Mỗi lần áp sát, quan sát thấy trên boong và mạn tàu hải cảnh 3210 thỉnh thoảng xuất hiện những bóng người đứng nhìn sang. Điều hầu như không thấy ở những tàu khác của Trung Quốc. Đại tá Thắng ưu tư: “Dường như cũng có không ít người Trung Quốc cảm thấy phân vân khó xử trước sự phi lý, vô lý trong việc làm của mình theo lệnh trên chỉ đạo”.
Ca cấp cứu trong đêm
… Đêm 14/6, tàu CSB 4032 nhận lệnh hạ xuồng chuyển một ca cấp cứu đặc biệt. Lúc đó đã 21h30’, biển động sóng đang cấp 5-6, gió rất mạnh, có mưa. Một kiểm ngư viên trên tàu KN 952 bị sốt cao trên 40 độ trong tình trạng co giật. Thuyền trưởng Vũ Trọng Huân lập tức lệnh cho hai tay lái xuồng lão luyện nhất tàu là Nguyễn Văn Thông và Đinh Văn Tiệp xuất phát.
Đã gần 23h đêm, do tình thế nguy hiểm, mấy phóng viên chúng tôi được lệnh tiếp tục ở lại tàu. Người ướt sũng, lạnh cóng, Nguyễn Văn Thông kể, khi đỡ người bệnh từ tàu xuống xuồng, người anh ấy nóng rực, không còn sức đu bám nữa mà gần như buông người rơi tự do xuống xuồng. Do gấp gáp, anh em cũng không kịp hỏi tên.
Thông kể tiếp, đêm 18/5 vừa rồi, anh cũng lái xuồng chở kiểm ngư viên quê Thanh Hóa tên là Nguyễn Văn Dương bị ốm nặng sang tàu CSB 4033 để đưa vào bờ cấp cứu. Khi ấy như thường lệ, tàu của Trung Quốc áp sát, rọi đèn pha chói mắt những người lái xuồng của ta. Bất chấp những ca cấp cứu người, trong suy nghĩ của người Trung Quốc có mặt ơ Hoàng Sa này, có lẽ tất cả đều là những hành vi “nguy hiểm” cần phải đề phòng ?
Cả đêm ấy không ngủ được, tôi nghĩ mãi về người kiểm ngư vô danh bị co giật trong cơn sốt, thầm mong cho anh được bình an. Lại nhớ về vợ con những kiểm ngư viên ở Đà Nẵng mà tôi đến nhà thăm hỏi trước khi lên tàu. Giữa nắng nôi đổ lửa, trong những căn nhà nhỏ lợp tôn ở thuê, những người vợ, người mẹ cùng những đứa con đau đau mong ngóng tin của chồng.
Khi viết đến những dòng này, tôi đã ở Hoàng Sa tròn 10 ngày. Hôm qua, trên boong tàu CSB 8003 cánh nhà báo chúng tôi đã tổ chức sớm ngày Nhà báo 21/6 cho mình, với sự chung vui cùng toàn bộ những người lính trên tàu. Tôi bắt gặp những đôi mắt thoáng ngấn ướt của những người lính dạn dày biển cả, bão dông ấy, khi chiếu cho các anh xem những hình ảnh vợ con mình ở Hải Phòng mà các đồng nghiệp ghi lại trước khi xuống tàu ra Hoàng Sa.
Giữa Hoàng Sa, không ai trong số họ tính tháng, tính ngày …
Hoàng Sa, 20/6/2014
Mỗi lần áp sát, quan sát thấy trên boong và mạn tàu hải cảnh 3210 thỉnh thoảng xuất hiện những bóng người đứng nhìn sang. Điều hầu như không thấy ở những tàu khác của Trung Quốc. Đại tá Thắng ưu tư: “Dường như cũng có không ít người Trung Quốc cảm thấy phân vân khó xử trước sự phi lý, vô lý trong việc làm của mình theo lệnh trên chỉ đạo”.