Thấp thỏm nhìn người dân liều mình qua cây cầu phao cũ kỹ tại Thái Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cầu phao Ngọc Lâm (xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên) dù bị cấm hoạt động vì xuống cấp nghiêm trọng nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt người, phương tiện liều mình vượt cầu.

Hình ảnh cây cầu phao 20 năm tuổi đã xuống cấp

Cầu phao Ngọc Lâm bắc qua sông Cầu nối giữa xã Linh Sơn và phường Túc Duyên (TP Thái Nguyên). Cầu có chiều dài khoảng 100m, rộng 1,8m được người dân góp tiền xây dựng từ năm 2003.

Sau gần 20 năm tồn tại, sau nhiều lần cân nhắc, đến tháng 6/2022, UBND TP. Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu đình chỉ hoạt động cầu phao Ngọc Lâm bởi cây cầu không có giấy phép, thiếu hồ sơ thiết kế, trang bị an toàn và nhiều hạng mục của cây cầu đã mục nát, nứt gãy…

Thấp thỏm nhìn người dân liều mình qua cây cầu phao cũ kỹ tại Thái Nguyên ảnh 1

Cầu phao Ngọc Lâm dài khoảng 100m bắc qua sông Cầu nối giữa xã Linh Sơn và phường Túc Duyên.

Ngày 16/11, theo ghi nhận của phóng viên, sau hơn 1 năm bị yêu cầu đình chỉ, cấm sử dụng, đến nay cầu phao Ngọc Lâm vẫn hoạt động, mỗi ngày cây cầu gồng gánh hàng trăm lượt người, phương tiện đi lại với mức phí 2.000 đồng mỗi phương tiện.

Mặt cầu được ghép từ những ván gỗ ọp ẹp, gia cố với nhau bằng những chiếc đinh tạm bợ. Trải qua thời gian dài sử dụng, nhiều tấm ván gỗ đã bị mục nát, nứt, gãy tạo thành những khoảng trống lớn, lộ ra khung sắt phía dưới.

Lan can hai bên cầu được móc nối tạm bợ bằng các sợi thép hoen rỉ, một số đoạn thậm chí không còn lan can cầu, tạo ra khoảng trống dài cả mét, tiềm ẩn nguy hiểm đối với người và phương tiện khi đi lại trên cây cầu.

Thấp thỏm nhìn người dân liều mình qua cây cầu phao cũ kỹ tại Thái Nguyên ảnh 2

Nhiều đoạn không còn lan can cầu, khoảng trống dài cả mét.

Hàng ngày phải di chuyển qua cầu phao Ngọc Lâm để đến trường, em Vũ Trường Giang (xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn) cho biết, mặc dù cây cầu được xây dựng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông Cầu song việc di chuyển trên cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão.

“Thời gian đầu đi qua cầu phao, em thấy rất sợ vì mỗi lần đi qua cây cầu rung lắc dữ dội, người đi không quen rất dễ bị ngã hoặc va chạm với xe cùng đi trên cầu. Nhưng rồi đi nhiều cũng thành quen, em không còn sợ nữa. Dù biết nguy hiểm nhưng việc đi qua cầu phao Ngọc Lâm giúp rút ngắn được quãng đường di chuyển sang TP Thái Nguyên".

Thấp thỏm nhìn người dân liều mình qua cây cầu phao cũ kỹ tại Thái Nguyên ảnh 3

Để rút ngắn thời gian, mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt người lựa chọn lưu thông qua cầu phao.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiệu (xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn) cũng không khỏi lo lắng mỗi lần đi qua cây cầu, ông cho hay: “Khi trời mưa, nhiều vị trí mặt cầu đã mục nát, trơn trượt khiến các phương tiện đi qua rất dễ trượt ngã. Bên cạnh đó, cây cầu cũng không có hệ thống đèn chiếu sáng, việc di chuyển qua cầu khi trời tối càng trở nên nguy hiểm, nhất là đối với các em nhỏ, người già. Trước đây từng có trường hợp người dân đi chợ đêm bị ngã xuống sông, rất may tôi cùng người dân phát hiện và cứu kịp thời”.

Ông Hiệu bày tỏ mong cơ quan các cấp sớm có giải pháp tu sửa hoặc xây dựng cầu mới để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như việc giao thương được thuận tiện.

Tuy nhiên, việc đi lại ở khu vực này thực sự không quá khó khăn. Cách cầu phao Ngọc Lâm chỉ 400 hiện đang có cây cầu treo Bến Oánh (ô tô, xe máy, xe đạp đều có thể lưu thông miễn phí).

Thấp thỏm nhìn người dân liều mình qua cây cầu phao cũ kỹ tại Thái Nguyên ảnh 4

Những chiếc đinh sắt nhô cao trên ván gỗ gây nguy hiểm cho các phương tiện khi di chuyển.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn xác nhận, cầu phao Ngọc Lâm dù đã bị cấm hoạt động nhưng hiện có tình trạng người dân đi lại, tiềm ẩn rủi ro.

“Sau khi có quyết định đình chỉ của UBND TP. Thái Nguyên, chính quyền địa phương đã thông báo và khuyến cáo nhân dân không di chuyển trên cầu phao Ngọc Lâm, đồng thời đặt biển báo cấm di chuyển nhưng đã bị một số đối tượng nhổ vứt bỏ. Hiện nay, chúng tôi đang gặp khó trong việc xử lý, để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần sự vào cuộc, phối hợp của cấp thành phố", ông Dương thông tin.

Đối với phản ánh có tình trạng thu phí phương tiện khi đi qua cầu, ông Dương cho biết, trước đó xã đã có văn bản thông báo cấm việc thu phí. "Tôi sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Dương nói.

Cầu phao Ngọc Lâm xây dựng năm 2003. Trước khi triển khai, nhân dân xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (khi đó thuộc huyện Đồng Hỷ, nay thuộc TP. Thái Nguyên) đã kiến nghị đến cấp chính quyền địa phương. Sau đó, UBND huyện Đồng Hỷ có văn bản số 364/CV-UB gửi, đề nghị Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Thái Nguyên giúp đỡ địa phương về thiết kế, thẩm định xây dựng để triển khai thi công. Song do vướng mắc về thủ tục, thiết kế nên người dân đã tự làm cầu với nguồn vốn do nhân dân tự đóng góp và đưa vào sử dụng mà không có hồ sơ, giấy phép theo quy định.
MỚI - NÓNG